Dưới đây là một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi bạn ăn lạc.
1. Có thể ảnh hưởng không tốt đến gan
Lạc tuy ngon nhưng cũng có thể rất độc hại. Đó là vì lạc là một trong những loại thực phẩm dễ bị nhiễm độc tố aflatoxin, một loại nấm mốc thường được tìm thấy ở vùng khí hậu ẩm ướt, cận nhiệt đới và nhiệt đới.
Aflatoxin có thể rất có hại cho sức khỏe con người và thậm chí có thể dẫn đến một số vấn đề lâu dài như ức chế hệ thống miễn dịch của bạn, bệnh thận và ung thư gan.
Nếu thấy lạc bị ngả màu, thậm chí đen, có vị đắng, vỏ nhăn, đổi màu, có dấu hiệu của nấm mốc,... thì rất có thể đã bị nhiễm aflatoxin, cần phải loại bỏ.
2. Chứa chất phản dinh dưỡng
Lạc có chứa một chất thực vật tự nhiên có tên là axit phytic. Chất này cũng có thể tìm thấy trong các loại đậu, hạt và dầu thực vật khác
Axit phytic là một chất phản dinh dưỡng trong cơ thể, tức là nó có thể ức chế cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng như sắt, kẽm, canxi, mangan và magie.
Do đó, dù đậu phộng chứa hàm lượng chất dinh dưỡng cao nhưng axit phytic có thể làm hạn chế lượng dinh dưỡng mà cơ thể thực sự có thể nhận được.
3. Bạn có thể tiêu thụ quá nhiều muối
Lạc tự nhiên không chứa nhiều muối, tuy nhiên bạn nên lưu ý hàm lượng natri trong các sản phẩm lạc chế biến sẵn.
Lạc rang thường được thêm muối, nếu ăn quá mức có thể làm bạn tiêu thụ lượng natri vượt quá khẩu phần hàng ngày.
Để hạn chế lượng natri, bạn nên đọc nhãn trước và chọn các sản phẩm ít natri, ít muối hoặc tính toán trước khẩu phần ăn.
4. Bạn có thể nhận được nhiều loại vitamin
Mặc dù có một số rủi ro tiềm ẩn, nhưng lạc vẫn là một món ăn nhẹ khá lành mạnh. Theo The Peanut Institute, lạc chứa nhiều chất béo không bão hòa, chất xơ, vitamin E, folate và kali.
Ngoài ra lạc cũng giàu kẽm và magie, tuy nhiên axit phytic có thể làm giảm khả năng hấp thụ các chất này của cơ thể.
Theo Harvard Health Publishing, nhờ các chất dinh dưỡng và vitamin có trong đậu phộng, những người tiêu thụ chúng thường xuyên (cùng với các loại hạt khác) có nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn những người không ăn hạt.
(Theo ETNT)