Điểm danh 6 ngành nghề 'hot' để ra trường có công việc tốt, thu nhập cao

Mùa tuyển sinh cao đẳng, đại học đang tới gần, thí sinh đang tìm hiểu về các ngành đào tạo để lựa chọn được ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân.

Theo lịch tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, lịch thi tốt nghiệp THPT 2021 diễn ra từ ngày 6 - 9/7/2021. Trong đó, có 2 ngày thi chính thức là ngày 7 và 8/7/2021.

Thời điểm này, các thí sinh đang lựa chọn ngành nghề phù hợp với sở thích, năng lực của bản thân để đăng ký xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học chuyên nghiệp.

Nhiều thí sinh đều có chung câu hỏi: "Học ngành nào để có cơ hội việc làm tốt, nhận mức lương hấp dẫn trong khoảng 4-5 năm tới?".

  Công nghệ thông tin là 1 trong những ngành hot mà thí sinh luôn hào hứng đăng ký.

Công nghệ thông tin là 1 trong những ngành hot mà thí sinh luôn hào hứng đăng ký.

Về nội dung này, các chuyên gia đều có chung một nhận định rằng, khi chọn ngành, chọn nghề, trước hết thí sinh cần căn cứ trên năng lực, sở trường của bản thân, đối chiếu với mức điểm chuẩn các năm để đưa ra quyết định phù hợp. 

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí, Phó Trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, quan sát nhu cầu thị trường lao động những năm gần đây cho thấy, một số ngành đã và đang tiếp tục có xu hướng phát triển bền vững như: công nghệ thông tin, tự động hóa, cơ điện tử…

Công nghệ thông tin: là ngành sử dụng máy tính và phần mềm máy tính để chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lý, truyền và thu thập thông tin. Mục đích của khối khoa học tổng hợp liên ngành này là nhằm phát triển khả năng sửa chữa, tạo mới và sử dụng hệ thống các thiết bị và máy tính bao gồm phần cứng, phần mềm để cung cấp giải pháp xử lý thông tin trên nền công nghệ cá nhân, tổ chức có yêu cầu.

Học ngành Công nghệ thông tin sinh viên có thể nghiên cứu chuyên sâu về Khoa học máy tính, Công nghệ phần mềm, Kỹ thuật máy tính, Hệ thống thông tin, Mạng máy tính và truyền thông, An toàn thông tin mạng ở các trường đại học có đào tạo ngành công nghệ thông tin trên toàn quốc.

Khi tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, sinh viên có thể đảm nhận các vị trí sau:

Trở thành lập trình viên phần mềm: người trực tiếp tạo ra các sản phẩm phần mềm

Kiểm duyệt chất lượng phần mềm: trực tiếp kiểm tra chất lượng các sản phẩm do lập trình viên tạo ra

Chuyên viên phân tích thiết kế hệ thống, quản lý dữ liệu, quản trị mạng, kỹ thuật phần cứng máy tính,…

Chuyên gia quản lý, điều phối các dự án công nghệ thông tin

Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa: Trong xu thế hội nhập toàn cầu, đất nước ta đang bước vào giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa, bất cứ ngành nghề kỹ thuật nào cũng cần đến tự động hóa. Phải khẳng định rằng, hệ thống điều khiển và tự động hóa có mặt trong mọi dây chuyền sản xuất của tất cả các ngành kinh tế. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, ngành này luôn có thu nhập cao và không bao giờ sợ thất nghiệp trong hiện tại và cả tương lai.

Là ngành công nghệ hoạt động dựa trên việc ứng dụng các kỹ thuật cơ khí hiện đại, điều khiển tự động và các phần mềm máy tính để vận hành và điều khiển tự động các toàn bộ quá trình sản xuất.

Điểm danh 6 ngành nghề 'hot' để ra trường có công việc tốt, thu nhập cao 1

Học chương trình đào tạo Kỹ sư Kỹ thuật điều khiển và Tự động hoá, sinh viên sẽ được cung cấp các kiến thức và kỹ năng chuyên môn thuộc một trong các lĩnh vực như Điều khiển các thiết bị và hệ thống tự động; Tự động hóa sản xuất và truyền thông trong công nghiệp; Lĩnh vực chế tạo và điều khiển robot;...

Sinh viên tốt nghiệp ngành tự động hóa có thể công tác tại các Viện Nghiên cứu Điện tử – tin học – Tự động hóa, Viện ứng dụng công nghệ, Trung tâm thiết kế vi mạch, các Khu công nghệ cao,… Giảng viên hoặc chuyên viên nghiên cứu tại các trường đại học có chuyên ngành Điều khiển tự động trong nước; Các doanh nghiệp sản xuất trong nước và nước ngoài trong tất cả các lĩnh vực; Các doanh nghiệp tư vấn kỹ thuật, kinh doanh thiết bị tự động hoặc chuyển giao công nghệ;...

Kỹ thuật Cơ điện tử: Là sự kết hợp của kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện tử và kỹ thuật máy tính. Đây là ngành rất quan trọng và không thể thiếu trong sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại. Mục đích của ngành khoa học tổng hợp liên ngành này là nhằm phát triển tối đa tư duy hệ thống trong thiết kế và phát triển sản phẩm để tạo ra những sản phẩm mới có những tính năng vượt trội.

Sinh viên ngành Kỹ thuật cơ điện tử được trang bị các kiến thức về hệ thống sản xuất tích hợp máy tính, hệ thống khí nén – thủy lực, hệ thống điều khiển nhúng, hệ thống đo lường và điều khiển thông minh; kiến thức về cảm biến, robot.

Một số môn học chuyên ngành tiêu biểu trong chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật cơ điện tử  như: các hệ thống cơ điện tử, đo lường và dụng cụ đo, thiết kế hệ thống số, mạch giao diện máy tính, cấu trúc dữ liệu và giải thuật, truyền động cơ khí, kỹ thuật vi điều khiển và ghép nối ngoại vi, điều khiển logic,…

Tốt nghiệp ngành Kỹ thuật cơ điện tử, sinh viên hoàn toàn có khả năng đảm nhận các vị trí:

- Kỹ sư thiết kế, vận hành hệ thống phần cứng và phần mềm điều khiển máy móc, thiết bị tự động, hệ thống sản xuất tự động.

- Chuyên viên tư vấn công nghệ, thiết kế kỹ thuật, lập trình điều khiển, thi công và chuyển giao các dây chuyền, hệ thống tự động, bán tự động tại các công ty về cơ khí, điện, điện tử.

- Phát triển trở thành Giám đốc kỹ thuật, Trưởng bộ phận kỹ thuật tại các công ty, doanh nghiệp liên quan đến cơ khí, điện tử.

Dự báo thêm về nhu cầu nhân lực, thầy Thảo cho rằng các ngành có nhu cầu lớn trong tương lai như giao thông vận tải, ô tô, y học. Điểm chung của các ngành này hầu hết đều thuộc khối khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, y dược...

Giao thông vận tải: Là một ngành sản xuất vật chất đặc biệt, cũng trực tiếp tạo ra giá trị và giá trị gia tăng trong quá trình thực hiện chức năng của mình. Có 5 loại hình Giao thông vận tải cơ bản: Vận tải đường sắt, Vận tải đường bộ, Vận tải đường thủy, Vận tải hàng không, Vận tải bằng đường ống (đường ống vận chuyển nhiên liệu, nguyên liệu rời).

Tốt nghiệp ngành này, cơ hội việc làm luôn rộng mở với các công việc như: Kỹ sư Kinh tế giao thông vận tải; Nhà Quản trị kinh doanh giao thông vận tải; Kỹ sư cơ khí giao thông vận tải; Kỹ sư xây dựng công trình giao thông; Kỹ sư điều khiển học kỹ thuật; Kỹ sư quy hoạch và quản lý giao thông vận tải; Kỹ sư điều khiển các quá trình vận tải; Kỹ sư kỹ thuật môi trường...

Y học: Là ngành học đào tạo bác sĩ đa khoa điều trị các bệnh mạn và cấp tính, đưa ra các biện pháp phòng bệnh, hướng dẫn phục hồi sức khỏe và kê đơn thuốc cho bệnh nhân.

Với đầy đủ kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm, sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Y sinh viên sẽ có cơ hội được làm việc tại: Bộ Y tế; Các bệnh viện từ tuyến xã, huyện đến trung ương; Các trung tâm khám chữa bệnh tại địa phương; Trạm y tếTrung tâm phục hồi chức năng; Bệnh viện, phòng khám tư nhân; Quản lý và làm việc tại phòng khám cá nhân; Giảng dạy, trợ giảng tại các trung tâm đào tạo Y đa khoa...

Công nghệ kỹ thuật ô tô: Là ngành học tích hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực: cơ khí, tự động hóa, điện - điện tử và công nghệ chế tạo máy, chuyên về khai thác, sử dụng và quản lý dịch vụ kỹ thuật ô tô như điều hành sản xuất phụ tùng, lắp ráp, cải tiến, nâng cao hiệu quả sử dụng.

Điểm danh 6 ngành nghề 'hot' để ra trường có công việc tốt, thu nhập cao 2

Sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật ô tô sau khi ra trường có thể đảm nhận các vị trí như: Kỹ sư vận hành, giám sát sản xuất phụ tùng, phụ kiện và lắp ráp ô tô, máy động lực tại các nhà máy sản xuất, cơ sở sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng ô tô; Kiểm định viên tại các trạm đăng kiểm ô tô; Nhân viên kinh doanh tại các doanh nghiệp kinh doanh ô tô, máy động lực, phụ tùng ô tô;...

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng ĐH Giao thông Vận tải cho rằng, Việt Nam đang thực hiện công cuộc chuyển đổi số, do đó các ngành về kỹ thuật sẽ có nhu cầu rất lớn. Cuộc cách mạng 4.0 sẽ đưa sản xuất từ tự động sang thông minh, quá trình đó cũng sẽ đòi hỏi có nền tảng kỹ thuật. Do đó cơ hội việc làm những ngày này trong tương lai còn rất rộng mở.

Tuy nhiên các chuyên gia đều có chung một nhận định rằng, lựa chọn ngành nghề nào chỉ là bước khởi đầu, nhưng việc học tập, rèn luyện tại các trường cao đẳng, đại học như thế nào là rất quan trọng. Khi học bất cứ ngành nào, nếu sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng, chuyên môn, ngoại ngữ sẽ luôn có công việc tốt, thu nhập cao.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội lại lưu ý thí sinh cần phân biệt “ngành hot" và ngành dễ kiếm việc làm sau khi ra trường.

"Có nhiều ngành không "hot" bằng Công nghệ thông tin, tự động hóa nhưng sinh viên học đến năm thứ 3, thứ 4 đã được các doanh nghiệp săn lùng như luyện kim, kỹ thuật vật liệu… Điểm chuẩn vào các ngành này cũng thấp hơn nhiều so với những ngành khác.

Năm 2020, điểm chuẩn tại ĐH Bách khoa Hà Nội khoảng 23 điểm, nhưng nhu cầu thị trường rất lớn. Hay ngành kỹ thuật môi trường ít em lựa chọn, tuy nhiên, khoảng 5 năm nữa chắc chắn ngành này sẽ rất nóng, hoặc ngành về năng lượng tái tạo cũng dự báo là rất hấp dẫn".

V.Linh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính