Đầu tư thấp tầng hay chung cư ở phía Đông Hà Nội là lựa chọn khôn khéo thời điểm này?

Giám đốc cấp cao bộ phận tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội tư vấn, tùy thuộc vào ngân sách, chiến lược và mục tiêu đầu tư mà nhà đầu tư có sự lựa chọn phù hợp.

Sức hút của phía Đông bắt nguồn từ đâu và liệu có trở thành một “miền đất hứa” với các nhà đầu tư bất động sản? Tạp chí điện tử Gia Đình Mới có cuộc trao đổi với bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc cấp cao bộ phận tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội. 

Bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc cấp cao bộ phận tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội.

Bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc cấp cao bộ phận tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội.

PV: Một số khảo sát gần đây đã ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng của nhóm gia đình trung lưu trẻ tuổi có tích lũy tài sản cũng như sự xuất hiện ngày càng đông đảo cộng đồng chuyên gia, thương nhân người nước ngoài làm việc và sinh sống lâu dài tại Hà Nội. Bà có thể chia sẻ phân khúc BĐS nào mà nhóm khách hàng trên hướng đến muốn lựa chọn?

- Bà Đỗ Thu Hằng: Tăng trưởng dân số mạnh, tỷ lệ đô thị hóa cao, tăng diện tích nhà ở bình quân đầu người và giảm quy mô hộ gia đình góp phần gia tăng nguồn cầu về nhà ở trong đó có nhóm gia đình trung lưu trẻ tuổi.

Dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Hà Nội và các tỉnh lân cận dẫn đến sẽ có thêm nhiều chuyên gia nước ngoài làm việc tại các dự án FDI. Từ đó, sẽ làm gia tăng nhu cầu về nhà tại những khu vực này trong đó Hà Nội vẫn là ưu tiên số một. 

Đối với nhóm khách hàng nói trên, phân khúc thường được tính đến đầu tiên để mua hoặc thuê đó là hạng mục căn hộ. 

Đối với nhóm gia đình trung lưu trẻ tuổi, họ thường có xu hướng thích nơi ở có tiện ích hiện đại bao gồm khu chăm sóc sức khỏe; khu vực thuận tiện về mua sắm và học hành cho con cái cũng như tiếp cận, đỗ ô tô. Phân khúc căn hộ sẽ là sản phẩm đáp ứng tốt nhất cho những yêu cầu này. 

Trong khi đó, nhóm chuyên gia và thương nhân nước ngoài sẽ đặt ưu tiên về an ninh, bảo vệ cũng như các tiện ích nội và ngoại khu thường sẽ tính đến phương án này trước (căn hộ- PV) sau đó mới tính đến nhà thấp tầng do ngân sách thuê sản phẩm thấp tầng thường sẽ cao hơn và nhiều khi sẽ chưa đáp ứng đủ hết các tiện ích mà họ cần. 

PV: Với phân khúc trên, khu vực nào ở Hà Nội được dự báo là sẽ sôi động và có tiềm năng trong tương lai? Có số liệu nào chứng minh cho điều đó, thưa bà?  

-  Bà Đỗ Thu Hằng: Trong bức tranh tương quan với các khu vực ở Hà Nội thì khu phía Đông vào thời điểm hiện nay đang được đầu tư đáng kể về cơ sở hạ tầng giao thông và xã hội. 

Trong tương lai, theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ xây dựng thêm 10 cây cầu lớn vượt sông Hồng, cải thiện tiếp cập giữa khu vực phía Đông và phía Bắc với các các khu vực khác của Hà Nội. 

Việc tiếp cận từ các hướng của khu vực này đang có sự năng động rất cao đặc biệt theo hướng đi sân bay quốc tế Nội Bài, ra các tỉnh lận cận như Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, hướng tuyến tiếp cận các cửa khẩu tiếp giáp với Trung Quốc. 

Khu phía Đông vào thời điểm hiện nay đang được đầu tư đáng kể về cơ sở hạ tầng giao thông và xã hội.

Khu phía Đông vào thời điểm hiện nay đang được đầu tư đáng kể về cơ sở hạ tầng giao thông và xã hội.

PV: Theo bà, đối với nhà đầu tư thì đầu tư BĐS phía Đông nói riêng và các khu vực ven đô nói chung thì lựa chọn đầu tư thấp tầng hay chung cư sẽ là lựa chọn khôn khéo thời điểm này, và vì sao?

- Bà Đỗ Thu Hằng: Tùy thuộc vào ngân sách, chiến lược và mục tiêu đầu tư mà nhà đầu tư có sự lựa chọn phù hợp vào thời điểm này. 

Nếu có ngân sách vừa phải trong khi không đủ đầu tư vào thấp tầng hoặc đất thấp tầng đã đứng ở mức cao khó đảm bảo có lãi kỳ vọng, nhà đầu tư có thể cân nhắc hạng mục các căn hộ loại diện tích nhỏ tại các dự án được quy hoạch tốt về tiện ích nội và ngoại khu để cho thuê ngắn hạn, dài hạn tạo dòng thu nhập tốt hơn lãi suất ngân hàng và các kênh khác. 

Ở phía Đông Hà Nội, các tiện ích lớn cũng đã và đang hình thành như trung tâm thương mại quy mô lớn, bệnh viện chất lượng cao, trường học quốc tế, khu vui chơi giải trí quy mô lớn. Cùng với đó là các đại dự án lớn cũng của các chủ đầu tư lớn đã hình thành. Tất cả tạo ra diện mạo mới, hiện đại cho khu vực này. 

Điều này theo đó đã và đang tạo ra sức hút đầu tư. Tuy nhiên, khu vực cũng đang phải cạnh tranh với khu vực phía Tây nơi cũng đang dẫn đầu thị trường về sự phát triển của tất cả các phân khúc bất động sản và là nơi đã và đang được quy hoạch là trung tâm hành chính, kinh tế mới của Hà Nội.  

PV: Đối với các dự án BĐS vùng ven Thủ đô thì Savills có nghiên cứu, khảo sát nào gần đây về sự dịch chuyển của cư dân vùng lõi (các quận nội thành) ra các vùng ven đô hay khu phía Đông (Gia Lâm, Long Biên…) theo hướng tự nhu cầu của người dân hoặc do tác động bởi quy hoạch điều chỉnh Thủ đô Hà Nội?

- Bà Đỗ Thu Hằng: Quy hoạch nội đô lịch sử được đưa ra vào năm 2021 với mục tiêu xác định cần giảm khoảng 215.000 dân trong giai đoạn 2020-2030. Về tổng thể, 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử có quy mô nghiên cứu trên 2.700ha với yêu cầu chính là kiểm soát dân số, giảm từ 1,2 triệu dân (năm 2009) xuống dự kiến còn 672.0000 dân; đồng thời cải thiện hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật. 

Các dự án nhà ở sẽ được hưởng lợi từ việc di dân từ khu vực nội đô lịch sử, đặc biệt tại các quận giáp ranh như Hai Bà Trưng, Đống Đa và nổi trội tại khu vực phía Đông khi có dân cư phố cổ trước đây chuyển sang khu vực này sinh sống do các điều kiện hạ tầng tốt cùng việc đi lại thuận tiện, khoảng cách gần với nơi họ đã sinh sống nhiều năm. 

Thực tế khảo sát tại các dự án căn hộ và các dự án nhà ở phát triển ở khu vực phía Đông đang cho thấy rõ điều này. Bên cạnh tác động do quy hoạch, nguồn cầu đã dịch chuyển ra khu vực xung quanh nội đô còn xuất phát từ tự nhu cầu của người dân do cần không gian sống rộng hơn, độc lập và được hưởng các tiện ích hạ tầng hiện đại, đa dạng…

Xin trân trọng cảm ơn bà về cuộc phỏng vấn này! 

                                                                                     Kim Thoa (thực hiện)

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính