Viêm khớp là một thuật ngữ chung của tất cả các rối loạn có ảnh hưởng đến cấu trúc và hoạt động của khớp.
Có 2 loại viêm khớp thường gặp là viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp.
Nguyên nhân của viêm khớp gồm 2 nhóm chính là nguyên nhân tại khớp (viêm sụn, thoái hóa, bào mòn sụn khớp, nhiễm khuẩn tại khớp, chấn thương khớp..) và ngoài khớp (do các rối loạn chuyển hóa (tăng acid uric trong bệnh gút), bất thường hệ thống miễn dịch gây tổn thương các thành phần trong khớp (bệnh viêm khớp dạng thấp).
Các phương thức chữa bệnh viêm khớp bao gồm điều trị nội khoa (điều trị bằng thuốc), điều trị ngoại khoa (phẫu thuật) kèm theo chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý.
Vậy chế độ ăn cho người bệnh viêm xương khớp như thế nào?
Chế đô ăn cho người bệnh viêm khớp nói chung cần cân bằng và đa dạng hóa việc thu nạp vitamin, khoáng chất, chất chống ôxy hóa và các chất dinh dưỡng khác.
Những nhóm thực phẩm cần thiết cho bệnh nhân xương khớp:
+ Acid béo omega-3: chất này có tác dụng ngăn chặn phản ứng của hệ miễn dịch gây ra chứng viêm khớp, làm giảm hẳn các triệu chứng viêm đau khớp. Một vài nghiên cứu cho thấy: nếu bệnh nhân bị viêm khớp được sử dụng dầu cá với liều từ 2 - 5g/ngày, kết quả là các khớp tổn thương bớt cứng và giảm đau rõ rệt. Bạn có thể tìm thấy acid béo omega-3 trong cá bơn, cá trích, cá ngừ, cà hồi hồ, cá hồi, cá mòi, cá thu,… Ngoài ra, acid béo omega-3 còn có trong dầu quả óc chó, dầu hạt cải, hạt lanh và dầu hạt lanh chứa các chất chuyển đổi thành các acid béo omega-3.
+ Axít béo omega-6 GLA (acid gamma-linolenic): có tác dụng ức chế sự sản sinh ra prostaglandin gây viêm. Nghiên cứu cho thấy khi dùng với liều 1 - 3g/ngày cho kết quả khả quan đối với bệnh viêm khớp.Omega-6 tìm thấy trong các loại thịt: gà, vịt, thịt lợn nạc, thịt bò, dầu thực vật, vừng, lạc, đậu nành…
+ Nhóm thực phẩm cung cấp đầy đủ vitamin C, D, E và beta-carotene (tiền vitamin A). Nhiều nghiên cứu cho thấy: vitamin C và D có khả năng làm giảm bệnh viêm xương khớp; chỉ với liều nhỏ dưới 150mg vitamin C (tương đương lượng sinh tố của 2 ly cam vắt) và 400 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D/ngày có khả năng làm chậm hẳn sự tiến triển của bệnh viêm khớp gối. Người ta cũng đã chứng minh các thức ăn chứa nhiều vitamin E có tác dụng giảm đau chống viêm. Chất beta-carotene có nhiều trong cà rốt, cà chua, bí đỏ, rau xanh, các loại trái cây, rau củ có màu đỏ cũng có tác dụng giảm viêm khớp.
+ Nhóm thực phẩm có nhiều canxi, tác dụng phòng tránh loãng xương như sữa, các sản phẩm từ sữa, các loại rau xanh, các loại thủy hải sản như: tôm cua, đậu nành…
Người bệnh viêm khớp không nên ăn các món thịt mỡ, các chất khó tiêu như: thịt đông, nem (bì lợn), món ninh (thịt mỡ lợn thái miếng vuông to ninh nhừ), giò mỡ, giò thủ, giò tai, bánh chưng bánh tét nhân thịt mỡ, các loại nội tạng động vật như: tim, gan, cật, lòng, mề…; không uống rượu mạnh, cà phê đặc, trà đậm để phòng chống bệnh gút.
Ngoài ra, người bệnh nên thường xuyên vận động và tắm năng để tăng tạo vitamin D giúp hấp thu và chuyển hóa canxi trong cơ thể.