Vitamin D có vai trò gì với sức khoẻ?
Đối với cơ thể con người, vitamin D có vai trò quan trọng trong việc hấp thụ và phân phối canxi, phospho, ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành các cấu trúc xương.
Cung cấp đầy đủ vitamin D cho cơ thể sẽ giúp canxi và phospho được gắn chắc trong các mô xương và điều hòa cân bằng nội môi của canxi và phospho trong cơ thể con người.
Với trẻ nhỏ, thiếu vitamin D gây ra tình trạng còi xương, suy giảm miễn dịch dẫn đến trẻ hay bị ốm.
Dấu hiệu cảnh báo thiếu vitamin D ở trẻ
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cha mẹ cần chú ý đến những dấu hiệu sau để nhận biết trẻ bị thiếu vitamin D và tìm cách bổ sung sớm, đúng cách.
- Những dấu hiệu sớm thiếu vitamin D ở trẻ sơ sinh sẽ bắt đầu từ hệ thần kinh. Trẻ quấy khóc nhiều, khó ngủ và không ngủ được lâu. Trẻ có thể hay bị giật mình khi ngủ do hệ thần kinh bị kích thích.
- Trẻ thiếu vitamin D thường ra mồ hôi trộm vào ban đêm dù trời không nóng. Thiếu vitamin D cũng gây nên tình trạng chậm phát triển thể lực, cơ nhẽo, da xanh và lách to.
- Trẻ mọc răng chậm, răng mọc không cân đối.
- Trẻ chậm biết đi, biết bò.
- Trẻ bị thiếu vitamin D còn có thóp rộng, bờ thóp mềm và lâu liền thóp.
- Sự thiếu hụt vitamin D còn gây ra tình trạng biến dạng hộp sọ, đầu bẹt, xương sọ mềm, khi ấn vào bị lõm và trở lại bình thường nếu nhấc tay ra.
- Xương sườn và lồng ngực biến dạng, vẹo cột sống và chân vòng kiềng cũng là những dấu hiệu của thiếu vitamin D.
- Nếu nặng, trẻ có thể bị co giật do hạ canxi trong máu…
Tắm nắng có giúp bổ sung vitamin D cho trẻ?
Để bổ sung vitamin D cho trẻ, các mẹ thường được khuyên bổ sung qua chế độ ăn uống. Bằng cách thực hiện chế độ ăn đa dạng với đầy đủ dưỡng chất, sử dụng các thực phẩm chứa nhiều vitamin D, canxi và phospho...
Cần bổ sung vitamin D vào khẩu phần ăn của trẻ như sữa, phomat, bánh quy, dầu ăn, các loại ngũ cốc hay bột dinh dưỡng...
Nuôi con bằng sữa mẹ cũng là một trong những phương pháp nhằm phòng chống thiếu hụt vitamin D ở trẻ.
Ngoài ra, tập thể dục, tắm nắng cho trẻ đúng cách và thường xuyên cũng được coi là phương pháp giúp bổ sung vitamin D cho trẻ.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Ngô Đức Hùng, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, với khí hậu nắng nóng gay gắt, khắc nghiệt như ở Việt Nam thì việc tắm nắng cho trẻ cần phải cẩn trọng.
Vitamin D khi vào trong cơ thể được chuyển hóa qua gan, thận, mô cơ thể… để rồi đi vào trong tế bào xương và chuyển hóa canxi, phospho đi vào xương, làm bền vững xương.
Vitamin D còn có tác dụng kích hoạt hệ miễn dịch không đặc hiệu (gọi là miễn dịch bẩm sinh tự nhiên), thiếu nó trẻ rất hay ốm vặt.
Thiếu vitamin D được coi là có liên quan đến gia tăng nguy cơ nhiễm virus, đặc biệt virus cúm.
Vào mùa đông, do ánh sáng mặt trời ít dẫn đến thiếu vitamin D tự nhiên, là 1 trong những nguyên nhân làm tăng tỉ lệ bệnh cúm trong mùa này. Bên cạnh đó, vitamin D còn tham gia vào chức năng hệ thần kinh-cơ, hệ tim mạch, bệnh lý ung thư…
Trong các loại vitamin D thì vitamin D2 và D3 đóng vai trò quan trọng nhất. Vitamin D2 vào cơ thể chủ yếu qua thức ăn nhưng thức ăn lại rất ít loại có D2, thế nên chúng chiếm rất ít trong cơ thể (10% nhu cầu hằng ngày), còn lại chủ yếu là D3.
Vitamin D3 được tổng hợp từ da nhờ các tiền chất qua tác động của tia cực tím UVB (bước sóng 290 - 320nm).
Tắm nắng cho trẻ như thế nào thì tốt nhất?
Để phơi nắng có hiệu quả, thì phải phơi từ 10 giờ sáng đến tầm 3 giờ chiều, tốt nhất 12 giờ trưa, lúc có tia UVB cao nhất.
Tuy nhiên, việc phơi nắng này chỉ hiệu quả với trường hợp trẻ không mặc gì, không bôi các sản phẩm chống nắng dưới nắng trời của khí hậu ôn đới châu Âu. Còn với khí hậu nhiệt đới gió mùa nắng như đổ lửa của Việt Nam, thì đến người lớn phơi nắng giữa trưa còn cháy chứ đừng nói đến làn da mỏng manh của trẻ.
Và khi phơi nắng quá lâu thì vitamin D vừa tạo ra sẽ bị hủy luôn, trong khi đó lại hấp thu nhiều tia UV(A) làm cho da bị lão hóa nhanh, vừa già đi, xấu đi vừa gây ung thư da.
Vậy nên, cách an toàn nhất vẫn là bổ sung vitamin D cho trẻ qua đường ăn, uống. Giai đoạn vàng bổ sung vitamin D cho con là 1000 ngày đầu đời. Sau giai đoạn này, vẫn nên đảm bảo dinh dưỡng cho con tới tuổi dậy thì (14 - 15 tuổi).