Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đậu mùa khỉ lây truyền từ động vật sang người, việc lây truyền từ người sang người xảy ra khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh.
Các trường hợp nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ gồm:
- Trường hợp có phát ban cấp tính dạng mụn nước hoặc mụn mủ và không giải thích được bằng các bệnh phát ban phổ biến khác (thủy đậu, herpes, sởi, nhiễm trùng da do vi khuẩn, lậu, giang mai...)
- Có một hoặc nhiều triệu chứng sau: Đau đầu; Sốt trên 38,5°C; Nổi hạch (sưng hạch bạch huyết); Đau cơ, đau lưng, đau nhức cơ thể; Mệt mỏi.
- Có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ sau: Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ, thông qua tiếp xúc trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh; Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có quan hệ với nhiều bạn tình.
Nếu nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, hãy khai báo với Trạm y tế hoặc đến các cơ sở khám chữa bệnh. Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người khác, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách từ 2 mét trở lên khi tiếp xúc nếu cần thiết.
Không ăn uống chung, ngủ chung bao gồm cả quan hệ tình dục với người khác. Sử dụng riêng các vật dụng, đồ dùng sinh hoạt cá nhân. Thông báo cho những người tiếp xúc gần biết để tự theo dõi sức khỏe và liên hệ cơ sở y tế ngay khi có triệu chứng nghi ngờ.
Người nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ sẽ được lấy mẫu xét nghiệm tại các tổn thương trên da. Trường hợp bệnh xác định khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus đậu mùa khỉ bằng kỹ thuật Real-time PCR và/hoặc giải trình tự gen.
Nếu được chẩn đoán xác định mắc bệnh thì sẽ thực hiện cách ly tối thiểu 14 ngày và phải hết các triệu chứng bệnh (không xuất hiện tổn thương trên da mới tối thiểu 48 giờ và các sang thương đã đóng vẩy khô).
Sở Y tế Hà Nội đã có văn gửi các đơn vị trực thuộc về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội theo dõi sát diễn biến, tình hình bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới, Việt Nam; đồng thời liên tục cập nhật các hướng dẫn phòng, chống dịch của Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn uy tín trong và ngoài nước, kịp thời tham mưu cho Sở Y tế các văn bản báo cáo, tham mưu cho UBND thành phố, chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ khoa học, hiệu quả, kịp thời, phù hợp.
Phối hợp với các đơn vị trong ngành và các đơn vị liên quan triển khai giám sát (bao gồm cả công tác thu thập mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm chẩn đoán), ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, đặc biệt chú trọng công tác kiểm dịch y tế tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn tuyến trên.
CDC Hà Nội cũng cần tổ chức tập huấn, hướng dẫn, phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan nhằm tăng cường giám sát, phát hiện, điều tra, xử lý các ca bệnh, ổ dịch đậu mùa khỉ phát sinh (nếu có), không để lan rộng; rà soát, tham mưu công tác đảm bảo vật tư, trang thiết bị, thuốc, nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch. Tham mưu cho Sở Y tế các biện pháp chủ động, tích cực ưu tiên bảo vệ lực lượng y tế, đối tượng nguy cơ cao, đối tượng dễ bị tổn thương… đầy đủ, khoa học, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện của thành phố.
Thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin về tư vấn, hỗ trợ người dân về bệnh đậu mùa khỉ.
Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh thường xuyên cập nhật, phổ biến các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ của Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn tuyến trên; rà soát, đảm bảo cơ sở, vật chất phục vụ công tác thu dung, điều trị người mắc bệnh, hạn chế thấp nhất tử vong.
An AnBạn đang xem bài viết Khi nào nên nghi ngờ đã bị mắc đậu mùa khỉ? tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].