1. Đau đầu Migraine là gì?
Migraine (hay còn gọi là đau nửa đầu) là dạng đau đầu nguyên phát phổ biến nhất trong thực hành lâm sàng hàng ngày.
Tần suất hàng năm migraine: 12,6%; tỉ lệ nam:nữ = 1:3, cao nhất ở khoảng tuổi 30-40 (7,4% ở nam và 24,5% ở nữ), và thấp nhất sau 60 tuổi.
Migraine mạn tính (xảy ra ≥ 15 ngày/tháng và ít nhất 3 tháng) chiếm khoảng 1-2% trong cộng đồng hàng năm và gây mất chức năng nặng, vì vậy migraine (cùng với đau đầu loại căng thẳng, đau đầu do thuốc) được xếp vào hàng thứ 3 gây mất chức năng.
2. Nguyên nhân gây đau đầu Migraine
Vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân và cơ chế của bệnh migraine; có thể có vai trò của yếu tố di truyền và môi trường.
Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ như: tiền căn gia đình, giới nữ, stress, sử dụng rượu và caffeine, tiếng ồn, ánh sáng chói...
3. Biểu hiện lâm sàng của đau đầu Migraine
3.1. Y học hiện đại
Đau đầu Migraine là một rối loạn chức năng thần kinh đặc trưng bởi các cơn tấn công mang tính tái phát, một cơn tấn công điển hình thường tiến triển qua bốn giai đoạn tiền triệu, aura, đau đầu và sau cơn.
- Giai đoạn tiền triệu: kéo dài 3 – 48 giờ. Các triệu chứng bao gồm buồn nôn, nôn, các triệu chứng liên quan đến nhận thức, trầm cảm, chán ăn, sợ ánh sáng, sợ tiếng ồn, cứng cơ vùng cổ... Những triệu chứng này có thể biến mất hoặc hợp nhất khi cơn đau đầu xuất hiện.
- Giai đoạn aura: aura là được xem là những dấu hiệu thần kinh thoáng qua, gặp trong khoảng 25% người bệnh. Các triệu chứng liên quan đến rối loạn thị giác, cảm giác, thăng bằng, ngôn ngữ... Giai đoạn này kéo dài vài phút đến một giờ, tuy nhiên cũng có thể tồn tại sau khi khởi phát đau đầu.
- Aura thị giác thường gặp nhất: ánh sáng lấp lóe hai mắt, các quầng sáng hồ quang, các đường zíc-zắc sáng, ám điểm trung tâm.
- Các loại khác ít gặp hơn như aura cảm giác (dị cảm, tê bì), rối loạn ngôn ngữ, rối loạn chức năng thân não (gây mất ngủ, nhầm lẫn, thậm chí lú lẫn)...
- Giai đoạn đau đầu: đau đầu xảy ra từng cơn, thường đau nửa đầu, cũng có thể đau cả đầu, mức độ từ trung bình đến nặng, đau tăng khi vận động thể lực, thời gian đau từ 4 – 72 giờ nếu không được điều trị.
- Giai đoạn sau cơn: có thể tồn tại một số triệu chứng với mức độ nhẹ bao gồm: sợ ánh sáng, tiếng ồn, buồn nôn, mệt mỏi, triệu chứng liên quan đến nhận thức, khó chịu vùng cổ... Giai đoạn này kéo dài không quá 48 giờ.
3.2. Y học cổ truyền
Biểu hiện chính của đau đầu Migraine là triệu chứng đau nửa đầu, các tính chất mô tả có nhiều mối liên quan với chứng bệnh Thiên đầu thống theo kinh điển, có sách gọi là Thiên đầu phong, là một dạng của đau đầu nói chung.
Tùy vào nguyên nhân và triệu chứng cụ thể mà y học cổ truyền phân thành các thể bệnh như:
- Can uất tỳ hư
- Can dương xung
- Can vị hư hàn
- Đàm nghịch
- Huyết ứ trệ kinh lạc
4. Cách điều trị đau đầu Migraine
4.1. Y học hiện đại
Không dùng thuốc: Tránh các yếu tố khởi phát.
Các yếu tố khởi phát được ghi nhận bao gồm: Stress; Thay đổi thói quen sinh hoạt (giấc ngủ, du lịch); Ánh sáng, tiếng động cường độ mạnh; Dinh dưỡng: một số thực phẩm khởi phát cơn đau (thịt hộp, phô mai, rượu vang đỏ, bia, chocolate, bột ngọt...).
Dùng thuốc:
- Cắt cơn: các thuốc giảm đau như: Acetaminophen, NSAID (Ibuprofen, Naproxen, Diclofenac...), các thuốc chống nôn như: chlorpromazine, droperidol, metoclopramide..
- Ngừa cơn: ức chế beta (Propranolol), ức chế canxi (flunarizine), thuốc chống động kinh (Topiramate, Valproic acid)...
4.2. Y học cổ truyền
Tùy vào từng thể lâm sàng cụ thể mà YHCT có phép trị, dùng thuốc và không dùng thuốc cho từng thể.
Không dùng thuốc:
- Châm cứu: (Hào châm; Điện châm; Cấy chỉ; Laser...) châm các huyệt thường dùng (Suất cốc (G8), Dương bạch (G14), Thái dương (EP5), Bách hội (GV20), Ấn đường (EP1), Phong trì (G20), Ế phong (TE17), Hợp cốc (LI4), A thị huyệt... và gia thêm một số huyệt khác theo từng thể bệnh.
- Xoa bóp bấm huyệt: xoa bóp vùng đầu cổ gáy bằng các thủ thuật xoa, xát, miết, phân, hợp, dạy, lăn. Ấn, day các huyệt như trên châm cứu.
Dùng thuốc: một số bài thuốc thường dùng cho các thể lâm sàng trên: Tiêu dao tán, Thiên ma câu đằng ẩm, Ngô thù du thang, Bán hạ bạch truật thiên ma thang, Thông khiếu hoạt huyết thang...
5. Tiên lượng bệnh đau đầu Migraine
Đau đầu Migraine là một rối loạn mang tính tái diễn với tiên lượng dài hạn rất thay đổi.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, những người đau đầu Migraine theo dõi trong một năm, có 84% tiếp tục duy trì tình trạng này (đau đầu Migraine dai dẳng), 10% thuyên giảm hoàn toàn, 3% thuyên giảm một phần và 3% tiến triển thành mạn tính.
6. Phòng tránh đau đầu Migraine
6.1. Y học hiện đại
- Tránh các yếu tố kích thích khởi phát cơn đau bằng việc thay đổi lối sống và các thói quen sinh hoạt
- Ngủ đủ giấc, duy trì thói quen ngủ và thức cùng một thời điểm mỗi ngày.
- Tập thể dục thường xuyên, những bài tập vừa sức.
- Ăn uống điều độ, không bỏ bữa, uống đủ nước, chú ý đủ dinh dưỡng.
- Tránh tinh thần căng thẳng.
- Hạn chế những nơi ồn ào, môi trường có ánh sáng chói, khí hậu quá lạnh hoặc thay đổi đột ngột.
- Tránh sử dụng các thuốc ngừa thai, các thuốc làm thay đổi hormone, gây giãn mạch.
6.2. Y học cổ truyền
- Chú trọng điều dưỡng tinh thần: tránh các yếu tố bất lợi từ bên ngoài môi trường. Một môi trường tự nhiên trong lành, một hoàn cảnh xã hội tốt đẹp, không khí gia đình hòa thuận. Tự nâng cao khả năng điều chỉnh tâm lý.
- Chú ý rèn luyện thân thể, tránh làm việc quá mức, tình dục quá độ.
- Ăn uống đủ chất, điều độ.
- Các thức ăn nên hạn chế: thịt hộp, phô mai, rượu vang đỏ, bia, chocolate, bột ngọt...
- Nên ăn các thức ăn: cải bó xôi, rau mầm, ngũ cốc, lúa mì, cherry, cá hồi, thịt gia cầm...
Tác giả bài viết: BS CKI. Võ Văn Long
Bạn đang xem bài viết Đau đầu Migraine là gì? Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị tại chuyên mục Các bệnh của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].