Báo Điện tử Gia đình Mới

Đau nửa đầu là bệnh gì và thường xuyên bị đau nửa đầu có nguy hiểm không?

Nhiều người trẻ thường gặp phải tình trạng đau nửa đầu, cơn đau có thể kéo dài trong nhiều giờ hoặc thậm chí cả ngày khiến cơ thể mệt mỏi. Vậy triệu chứng đau nửa đầu có nguy hiểm không?

Đau nửa đầu nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến đột quỵ. Ảnh minh họa

Đau nửa đầu nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến đột quỵ. Ảnh minh họa

Đau nửa đầu là gì và có nguy hiểm không?

Đau nửa đầu Migraine là những cơn đau đầu mạnh thường xảy ra ở 1 bên đầu, có tính chất như mạch đập, thường kèm theo buồn nôn, nôn và tăng nhạy cảm với ánh sáng hoặc tiếng động.

Cơn đau nửa đầu có tần suất và mức độ khác nhau tùy từng lần tái phát, diễn tiến có thể từ đau vừa chuyển sang đau nhói, đau nặng nề một bên đầu.

Cơn đau có thể kéo dài hàng giờ, thậm chí vài ngày ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt. Khi cơn đau tái phát, người bệnh có thể gặp thêm các triệu chứng như buồn nôn, nhạy cảm với tiếng ồn, rối loạn thị giác,…

Tình trạng đau nửa đầu có thể xảy ra ở lứa tuổi học sinh, người trẻ tuổi, nhân viên văn phòng… Và nếu không được điều trị kịp thời, đau nửa đầu Migraine có thể dẫn đến đột quỵ, gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng người bệnh.

Dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc bệnh đau nửa đầu

Theo bác sĩ Bùi Đức Dũng, BV ĐK Hùng Vương, trước cơn đau đầu một số người bệnh có thể có các biểu hiện như:

  • Các bất thường về thị giác: nhìn thấy tia chớp sáng, đôi khi có thể mất thị lực
  • Các bất thường về cảm giác, về vận động, về phát âm
  • Các triệu chứng này thường kéo dài từ 20 - 60 phút

Trong cơn đau người bệnh thường có các triệu chứng sau:

  • Đau dữ dội từ vùng thái dương và vùng trước trán
  • Buồn nôn, nôn mửa, hoặc chóng mặt
  • Đau giật thon thót theo nhịp đập của mạch
  • Nhạy cảm hơn với ánh sáng, sợ ánh sáng
  • Nhạy cảm với tiếng ồn, sợ tiếng ồn
  • Đau đầu tăng lên khi vận động đi lại
  • Cơn đau có thể kéo dài từ 4 - 72 giờ nếu không được điều trị

Bệnh đau đầu Migraine gây ra những cơn đau đầu kéo dài khiến cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, giảm khả năng làm việc. Khi tình trạng đau đầu xảy ra thường xuyên sẽ gây ảnh hưởng nghiệm trọng đến sức khỏe, tâm lý, làm đảo lộn công việc, học tập cũng như sinh hoạt của người bị bệnh, nếu không được điều trị đúng và kịp thời sẽ dẫn đến trầm cảm, suy nhược cơ thể, giảm trí nhớ, mất tập trung, đột qụy...

Chính vì vậy khi có những triệu chứng nói trên, người bệnh cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

Stress, căng thẳng trong cuộc sống, áp lực công việc là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng đau nửa đầu. Ảnh minh họa

Stress, căng thẳng trong cuộc sống, áp lực công việc là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng đau nửa đầu. Ảnh minh họa

Nguyên nhân gây ra đau nửa đầu

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân thật sự gây bệnh đau nửa đầu Migraine. Tuy nhiên, có một số yếu tố liên quan đến di truyền, yếu tố môi trường, lối sống… góp phần gây ra căn bệnh đau nửa đầu, bao gồm:

  • Sử dụng rượu bia và đồ uống có nhiều caffein.
  • Stress, căng thẳng trong cuộc sống, áp lực công việc kích thích những con đau đầu.
  • Thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ: Sự thay đổi nồng độ estrogen có thể gây ra đau đầu ở nhiều người. Ví dụ thay đổi hormone trước và sau kỳ kinh, mang thai, nhất là giai đoạn mãn kinh.
  • Sử dụng thuốc có thành phần nội tiết như thuốc hormone, thuốc tránh thai…
  • Hoạt động thể chất mạnh
  • Các yếu tố kích thích thị giác như âm thanh lớn, mùi sơn, nước hoa, khói thuốc mạnh, ánh sáng chói…
  • Mất ngủ, thay đổi nơi ngủ, ngủ nhiều…
  • Thời tiết thay đổi, nóng lạnh thất thường
  • Biến chứng bệnh lý khác như viêm xoang, viêm họng, ho, cảm, sốt…
  • Quan hệ tình dục cũng có khi gây đau nửa đầu
  • Một số thực phẩm chế biến sẵn, có bột ngọt, chất phụ gia… có khả năng gây đau nửa đầu.

Cách phòng tránh bệnh đau nửa đầu

Việc thay đổi lối sống có ảnh hưởng không nhỏ đến việc phòng tránh mắc bệnh đau nửa đầu Migraine. Do đó, để phòng tránh bệnh, mọi người cần lưu ý:

  • Ngủ đúng giờ, đủ giấc, ít nhất 7-8 tiếng/ngày để não bộ nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng.
  • Làm việc khoa học, hợp lý, tránh mệt mỏi, stress do công việc kéo dài gây bệnh phức tạp về thần kinh.
  • Thường xuyên vận động, ra ngoài hít thở không khí để khí huyết lưu thông.
  • Duy trì chế độ ăn uống khoa học, ăn các loại thực phẩm tốt cho thần kinh và não bộ.
  • Nên uống trà thảo dược dễ ngủ, chống oxy hóa như trà atiso, trà sen, trà nhài, trà gừng, trà hoa cúc…
  • Hạn chế tối đa rượu bia, thuốc lá, nên ăn ít đồ ngọt, phô mai, socola, thực phẩm chế biến sẵn.
  • Hạn chế nơi ở ồn ào, nhiều ánh sáng chói, nhiều gió, khí lạnh.
  • Nếu bị đau đầu, nên sử dụng thuốc điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ.
An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO