Có nên cho trẻ bú đến tuổi đi học?
Theo chia sẻ trên mạng xã hội, người mẹ này đã cho con bú 9 năm và sẽ còn quyết tâm thực hiện thêm nhiều năm nữa đến khi nào con cảm thấy chán thì thôi. Không những vậy, người mẹ này còn tập hợp được rất nhiều bà mẹ cho con bú ở tuổi như 4, 6, 7...
Theo họ, đây là hành động thiêng liêng, tạo ra sự gắn kết giữa hai mẹ con, cảm giác thoải mái, điều khiển cảm xúc, an toàn, sự tập trung, bình tĩnh...
Bên dưới bài viết, rất nhiều mẹ cũng ngỏ ý muốn được cho con "tái bú" để mẹ con gắn kết và đưa ra câu hỏi đại loại như: "Con em năm nay 8 tuổi, 10 tuổi... sẽ bắt đầu bằng cách nào hả chị"...
Bài viết đã thu hút hàng chục nghìn lượt bình luận và chia sẻ với nhiều ý kiến trái chiều. Không ít người phản đối gay gắt hành động này.
Họ cho rằng, trẻ 9 tuổi đã không còn phù hợp với hành động bú mẹ như trẻ sơ sinh, răng của trẻ đã thích nghi với việc cắn, nhai các loại thực phẩm, trẻ có thể “ăn cả thế giới”.
Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) khuyến cáo, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong giai đoạn 6 tháng đầu đời, mẹ cần cho con bú sữa mẹ hoàn toàn, tức là chỉ cho bé bú mẹ, không cho thêm bất cứ thức ăn, nước uống nào khác trừ các trường hợp phải uống bổ sung các vitamin, khoáng chất hoặc thuốc theo chỉ định của thầy thuốc.
Sau 6 tháng, mẹ có thể cho con ăn dặm với các loại bột, súp, cháo… phù hợp độ tuổi. Đồng thời, mẹ duy trì nguồn sữa cho con bú đến 2 tuổi.
Chuyên gia nhi khoa cũng chia sẻ, trẻ sau 2 tuổi ăn là chính, sữa là phụ. Do đó, việc cho trẻ bú thêm sữa mẹ cũng như uống sữa thông thường là không có gì khác biệt.
Đặc biệt, trẻ em tới 4 tuổi là bắt đầu hình thành nhận thức về giới tính và sự tò mò về giới tính sẽ tăng dần theo thời gian. Do đó, việc cho trẻ bú đến độ tuổi trẻ đi học là không tốt đối với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.
Nuôi con bằng sữa mẹ cần được hiểu sao cho đúng?
Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em hướng dẫn các bà mẹ, hãy cho bé bú mẹ ngay trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, ngay cả khi sữa chưa về để bé được bú sữa non. Sữa non được hình thành từ tuần thứ 14-16 của thai kỳ và được tết ra trong 1-3 ngày sau sinh.
Sữa non có màu vàng nhạt hoặc trong, sánh đặc, giàu chất kháng khuẩn, nhiều vitamin A, chất đạm giúp bé phòng chống nhiễm khuẩn. Trong 3 ngày đầu thường lượng sữa chưa nhiều (còn gọi là sữa chưa về) nhưng đủ cho bé mới sinh vì:
Ngày thứ nhất sau sinh, dạ dày của bé chỉ có thể chứa tối đa 5-7ml sữa và sẽ têu hoá trong vòng 1 giờ. Như vậy cho bé bú 10-12 lần/ngày là phù hợp với kích cỡ dạ dày của bé và lượng sữa của mẹ trong những ngày đầu.
Ngày thứ 3: dung tích dạ dày bằng quả bóng bàn, chứa được 22-27ml
Ngày thứ 5 - 7: Bằng quả trứng gà, chứa được 43-57 ml
Mẹ cần nhớ, trong 6 tháng đầu đời, cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ mà không cần cho trẻ ăn hoặc uống thêm bất cứ thứ gì khác, kể cả nước tráng miệng. Trong thời gian này, mẹ cho bé bú theo nhu cầu, bất cứ khi nào bé muốn, cả ngày lẫn đêm.
Sau 6 tháng, bên cạnh sữa mẹ, trẻ bắt đầu ăn dặm với các loại súp, bột, cháo... Từ 2 – 3 tuổi là giai đoạn chuyển tiếp sang cho bé ăn các thức ăn giống người lớn và không còn bú mẹ nữa. Đây cũng là giai đoạn chuyển đổi từ cho bé ăn thức ăn lỏng, mềm sang dạng thức ăn đặc, cứng hơn để bé tập nhai, giúp bé phát triển cơ hàm và sử dụng các chức năng của răng.
Giai đoạn từ 3 – 6 tuổi, trẻ hoàn toàn có thể ăn cùng với bữa ăn của gia đình. Tuy nhiên số bữa ăn cần nhiều hơn. Ngoài 3 bữa ăn chính, bé cần thêm 2 bữa ăn phụ. Số lượng thức ăn trong thời kỳ này cần đạt tối thiểu bằng nửa số lượng thức ăn của người lớn để đáp ứng được nhu cầu lớn lên của trẻ.
An AnBạn đang xem bài viết Hiện tượng gây tranh cãi: Con 9 tuổi vẫn bú sữa mẹ, cách nuôi con như này có đúng? tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].