Quyết định 5175/QĐ-BYT của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 09/11/2021.
Ngày 9/11, Bộ Y tế ban hành quyết định hướng dẫn triển khai phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Theo đó, lao động nữ khi quay trở lại làm việc sau thời gian nghỉ thai sản có thể duy trì nuôi con bằng sữa mẹ bằng cách vắt sữa bằng tay hoặc máy hút sữa tại nơi làm việc.
Đối với các doanh nghiệp, số lượng phòng vắt, trữ sữa sẽ xây dựng dựa theo số lượng lao động nữ.
Đơn vị có dưới 100 lao động nữ thì phải có tối thiểu 1 phòng vắt sữa mẹ và tối thiểu 4 phòng đối với nơi làm việc có từ 1.000 lao động nữ trở lên.
Quy định cũng nêu rõ, công ty/doanh nghiệp cần tham vấn ý kiến lao động nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ và cán bộ công đoàn để lựa chọn vị trí phù hợp. Đồng thời, tất cả lao động nữ cần được thông báo về vị trí của phòng vắt, trữ sữa mẹ.
Phòng vắt sữa có thể được cải tạo từ những vị trí như một phần phòng y tế, phần không gian không sử dụng của văn phòng, nhà kho được cải tạo thoáng khí hoặc sửa lại các phòng không được sử dụng hiệu quả.
Ngoài ra, các tiêu chí của phòng vắt, trữ sữa mẹ được chia theo hai mức cơ bản và đầy đủ bao gồm: lắp đặt tại nơi sạch sẽ, vệ sinh, dễ tiếp cận, cách nơi làm việc không quá 10 phút đi bộ. Phòng vắt trữ sữa có biển tên, được che chắn đảm bảo tính riêng tư và kín đáo, có các thiết bị cơ bản như quạt, đèn, bàn ghế, tủ lạnh.
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị bố trí thời gian cho lao động nữ nghỉ luân phiên để vắt sữa sao cho không ảnh hưởng đến việc sản xuất. Bố trí phù hợp với công suất sử dụng của phòng vắt, trữ sữa mẹ, tránh quá tải, phù hợp với nhu cầu sinh học của lao động nữ trong việc vắt sữa.
Theo Bộ Y tế, hiện nay tại Việt Nam, lao động nữ chiếm gần một nửa (48%) lực lượng lao động cả nước. Giai đoạn mang thai và nuôi con nhỏ dưới 2 tuổi, lao động nữ cần các chính sách và biện pháp hỗ trợ thiết thực từ cộng đồng để chăm sóc sức khỏe thai sản và nuôi con bằng sữa mẹ, đảm bảo nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ.
Gia đình cũng có thể tiết kiệm được khoảng 12% thu nhập khi không phải mua sữa công thức và giảm rất nhiều chi phí khám chữa bệnh. Việc lắp đặt phòng vắt, trữ sữa tại nơi làm việc là một trong những đầu tư hiệu quả của doanh nghiệp nhằm đảm bảo đời sống gia đình công nhân lao động.
V.LinhBạn đang xem bài viết Từ 9/11, công ty có lao động nữ phải có phòng để vắt, trữ sữa mẹ tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].