Tỷ lệ nghịch giữa sự rầm rộ và hiệu quả của chương trình "bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái"
Ngay sau khi Công an tỉnh Điện Biên công bố thông tin về vụ án nữ sinh Cao Thị Mỹ Duyên bị sát hại bởi 5 đối tượng bất hảo, Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội bày tỏ sự đau xót và đáng tiếc khi sự việc xảy ra.
“Là một phụ nữ, một người mẹ, tôi cảm thấy tột cùng đau xót trước cái chết bi thảm của em. Là một người đấu tranh cho bình đẳng giới và công bằng xã hội tôi thấy vô cùng xấu hổ trước hương hồn em. Là một công dân tôi thêm một lần thất vọng vì những chương trình phòng chống bạo lực xã hội, đặc biệt là bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái dường như mới chỉ là ý chí thể hiện qua những khẩu hiệu hơn là những hành động thiết thực”.
Chia sẻ cụ thể hơn với phóng viên Gia Đình Mới, Tiến sỹ Khuất Thu Hồng cho rằng: Chúng ta có Luật Bình đằng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Chúng ta có 1 bộ máy quốc gia về bình đẳng giới, chúng ta có Hội Liên hiệp Phụ nữ và rất nhiều những tổ chức Hội, Đoàn khác ở mỗi địa phương có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ trẻ em, thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ.
Chúng ta cũng thấy những chương trình để bảo vệ phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam đều được phát động rất rầm rộ.
Tuy nhiên trong thực tế, mỗi ngày chúng ta đều thấy thông tin về những vụ phụ nữ, trẻ em gái bị xâm hại. Năm sau nhiều hơn năm trước, những vụ việc ngày càng manh động, liều lĩnh và dã man. Điều đó, cho thấy, những chủ trương, chính sách, chương trình về bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái chưa được thực hiện tốt.
Chúng ta hô hào, thể hiện quyết tâm thực hiện các chương trình bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái rất cao, nhưng hiệu quả thì lại rất thấp.
Tôi cho rằng nguyên nhân nằm ở phần nhận thức của mỗi người, mỗi tổ chức có liên quan. Mọi người vẫn cho rằng mỗi cá nhân, mỗi người phụ nữ, mỗi gia đình phải biết tự tránh những cạm bẫy của xã hội. Các chương trình bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái mới chỉ dừng lại ở phần tuyên truyền tới phụ nữ và trẻ em gái, chưa tạo nên làn sóng mạnh mẽ trong xã hội để cả nam giới đều hiểu và tôn trọng, bảo vệ người phụ nữ.
Nhiều người vẫn cho rằng những câu chuyện gia đình là câu chuyện riêng tư của cá nhân mà xã hội không thể can thiệp, rằng người phụ nữ phải nhường nhịn, phải chịu đựng…
Sau những vụ việc đau lòng xảy ra, những người làm trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em chưa lên tiếng, hoặc lên tiếng không đủ mạnh, không tạo áp lực để những câu chuyện đau lòng như trên không diễn ra, hoặc không lặp lại.
Bố mẹ Việt luôn trong tình trạng bất an
Chúng ta đều thấy, tất cả các ông bố bà mẹ Việt Nam luôn như chiếc “máy bay trực thăng” bay vè vè trên đầu con trẻ mọi lúc mọi nơi, bởi một thực tế rằng: Xã hội hiện nay còn quá nhiều điều bất an. Phụ nữ và trẻ em gái luôn lo sợ cướp giật, xâm hại, quấy rối.
Đó là thực trạng đáng lo ngại. Chúng ta có công cụ pháp luật nhưng dường như trừng phạt được bao nhiêu, không răn đe, cảnh báo được ai. Và trong bối cảnh đó, sự sợ hãi, lo lắng là đương nhiên.
Tiến sỹ Khuất Thu Hồng cho rằng, các tổ chức Đoàn Hội, các cơ quan có chức năng nhiệm vụ bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái đừng thờ ơ, đừng cho rằng các bậc phụ huynh phải tìm cách bảo vệ chính con gái của mình.
“Nếu chúng ta chỉ chăm chăm cho rằng, chuyện nhà ai người nấy lo, con cái nhà ai nhà đó bảo vệ, thì không chỉ hạn chế tất cả những cơ hội sống, cống hiến và trải nghiệm của thế hệ trẻ mà còn sẽ là tác nhân gây kéo dài tình trạng bất an trong xã hội.
Chúng ta đừng chỉ truyền tải những thông điệp chung chung, đừng lướt qua những nỗi đau của các gia đình có phụ nữ và trẻ em gái bị xâm hại. Chúng ta hãy hành động đi, từ những việc nhỏ nhất, đến những địa phương xa xôi, hẻo lánh nhất. Làm thế nào để góp phần tạo nên một môi trường sống an toàn, lành mạnh để phụ nữ và trẻ em gái có cơ hội được phát triển, được bình an” - Tiến sỹ Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng – Viện trường Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS)
-Nhà tâm lý học, chuyện gia nghiên cứu về giới tính, tình dục, sức khỏe tình dục và HIV/AIDS.
-10 năm làm việc tại ISDS, những nghiên cứu và chương trình hoạt động của TS Khuất Thu Hồng đều tập trung vào nhóm đối tượng thiệt thòi. Đó là những người khuyết tật, cộng đồng LGBT (lesbians - đồng tính nữ; gays - đồng tính nam; bisexuals - lưỡng tính; transgender - chuyển giới tính), người sử dụng ma túy, người nghèo, người nhiễm HIV…
- Không chỉ dừng lại ở nghiên cứu, những vấn đề được Khuất Thu Hồng và ISDS đề cập đều hướng tới việc vận động điều chỉnh chính sách, mang lại những thay đổi tích cực trong xã hội. Những thành quả bước đầu của vấn đề xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV - AIDS. -Theo TS Khuất Thu Hồng: "Việc nghiên cứu và triển khai một loạt những hoạt động của ISDS đã khiến nhiều người nhiễm HIV dám "xuất đầu, lộ diện" để chia sẻ cuộc sống và khó khăn của mình. Đến nay, tuy chưa thực sự gạt bỏ hết những kỳ thị, song cách mà xã hội và báo chí viết về vấn đề này cũng khác đi rất nhiều"…
Việt LinhBạn đang xem bài viết Chương trình bảo vệ phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam phát động rầm rộ và... dừng lại ở khẩu hiệu tại chuyên mục Cẩm nang của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].