Theo các chuyên gia y tế, nguyên tắc xây dựng chế độ dinh dưỡng là đảm bảo nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng: đạm (thịt, cá, trứng, sữa, đậu nành...); chất béo (dầu thực vật, mỡ cá…); nhóm bột đường (cơm, ngũ cốc, khoai củ...)
Để tái tạo được tổ chức xương mới nơi bị gãy, cơ thể có nhu cầu nhiều chất dinh dưỡng khác nhau, nhưng chủ yếu là các vi chất như canxi, vitamin D, magiê, kẽm, phốt pho, axit folic, vitamin B6, vitamin B12... Trong đó, canxi và magiê là hai chất quan trọng giúp cho phản ứng sinh hóa tạo nên xương mới.
BSCK1 Phạm Ngọc Khánh, Khoa Cơ Xương Khớp Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, canxi có nhiều trong các thực phẩm chế biến từ sữa như sữa tươi, sữa chua, pho mát…
Với những người không dung nạp được lactose hay tránh dùng sữa vì các lý do khác, có thể bổ sung canxi từ các loại thực phẩm khác như: Các loại rau lá xanh (cải xoăn, bông cải xanh, rau đay, rau ngót...); hải sản (hàu, nghêu, cua và tôm, cá hồi...); các loại trái cây giàu canxi (cam, quýt 1 - 2 kg có 43g canxi, 100g mơ khô có khoảng 5g canxi, 180 g kiwi có 60mg canxi, mỗi quả lê có chứa khoảng 58mg canxi, 256g mận cũng cấp khoảng 75 mg canxi, 140 g dâu tằm có 55mg canxi...).
Vitamin D là một dạng vitamin hòa tan trong mỡ. Vai trò của vitamin D giúp tăng cường hấp thu canxi, và điều hòa quá trình phát triển xương. Có 2 dạng vitamin D là vitamin D2 và D3.
Trong đó, vitamin D2 (ergocalciferol) có trong các thực phẩm như nấm, thực phẩm công nghiệp có tăng cường vitamin D (nước cam, ngũ cốc ăn sáng… ). Vitamin D3 (cholecalciferol) có nhiều trong cá hồi, cá ngừ, cá mòi, lòng đỏ trứng gà…
Còn magiê có nhiều trong chuối, rau xanh, cá chép, cá trích, cá thu, tôm, sản phẩm chế biến từ sữa, ngũ cốc, bánh mỳ...
Kẽm có nhiều trong cá biển, hải sản, hạt bí ngô, hạt hướng dương, đậu đỗ, nấm, ngũ cốc... vì kẽm có tác dụng thúc đẩy vitamin D hoạt động và tăng hấp thụ canxi. Phốt pho cũng cần cho nhu cầu tái tạo xương mới, có nhiều trong trứng cá muối, đậu, lòng đỏ trứng, pho mát, bí ngô...
Axit folic có nhiều trong các thực phẩm như: chuối, đậu, rau xanh, cam quýt… Vitamin B6 và B12 có nhiều trong chuối, lúa mì, khoai tây, tôm, cá, thịt gà, thịt bò, sữa, cá thu, trứng...
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, bên cạnh việc bổ sung các thực phẩm tốt cho xương khớp, để nhanh lành bệnh, bệnh nhân gãy xương cũng cần hạn chế những thực phẩm gây cản trở cho quá trình tái tạo tổ chức xương mới như: rượu (làm rối loạn hoạt động tế bào xương, khiến xương thoái hóa nhanh hơn), cafein (làm giảm thiểu lượng canxi trong cơ thể, cản trở khả năng hấp thu canxi ở ruột.
Trong thời gian xương chưa phục hồi người bệnh cũng cần hạn trà đặc, sô cô la, nước ngọt có ga, thức ăn nhiều mỡ… vì đây đều là những thực phẩm không tốt cho sức khỏe, làm giảm hấp thụ canxi cho cơ thể và làm bệnh lâu phục hồi hơn.