Già hóa dân số và gánh nặng bệnh tật kép
Theo Bộ Y tế, Việt Nam là một trong số 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới, ước tính đến năm 2035 có hơn 21 triệu người cao tuổi.
Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đang là 73,6 tuổi, cao hơn so với trung bình trên thế giới nhưng tuổi thọ khỏe mạnh chỉ là 63,2 tuổi.
Theo nghiên cứu của BV Lão khoa Trung ương, trung bình một người trên 60 tuổi mắc 3 - 4 bệnh, đặc biệt những người trên 80 tuổi có thể mắc trên 6 bệnh. Trong đó nhiều nhất là bệnh đục thuỷ tinh thể, bệnh hô hấp, sa sút trí tuệ, tăng huyết áp, bệnh cơ xương khớp, rối loạn mỡ máu…
Các chuyên gia lão khoa cũng cho biết, người cao tuổi thường mắc các bệnh lý mạn tính như: Bệnh mạch vành, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), bệnh xương khớp… Đây hầu hết là những bệnh phải điều trị suốt đời, thậm chí cần chăm sóc đặc biệt.
Việc sử dụng số lượng lớn thuốc điều trị nhiều loại bệnh trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến gan, thận... Đây là gánh nặng rất lớn cho bệnh nhân cũng như gia đình, đặc biệt là vấn đề chăm sóc.
Tuổi cao, sức yếu, cộng với mắc các bệnh mạn tính, nhiều người cao tuổi bị giảm các chức năng hoạt động của cơ thể và không thể tự phục vụ bản thân và thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, nhu cầu cần trợ giúp trong các hoạt động cơ bản như ăn uống, sinh hoạt và chăm sóc y tế, điều trị bệnh tật ở người cao tuổi ngày càng tăng cao.
Tuy nhiên ở nước ta, dịch vụ y tế cho người cao tuổi còn nhiều hạn chế, như thiếu các cơ sở y tế và thiếu nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi có chuyên môn.
Hà Nội hiện có khoảng 1,09 triệu người cao tuổi, chiếm 12,9% dân số, trong đó có 99,98% người là hội viên Hội Người cao tuổi. Là địa phương có tỷ lệ người cao tuổi khá cao, Hà Nội cũng đang phải đối mặt với những thách thức về già hóa dân số và cần có những biện pháp hữu hiệu để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Tăng cường các biện pháp chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện hiệu quả mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng, phát huy vai trò của người cao tuổi trong gia đình và xã hội, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.
Thời gian qua, TP.Hà Nội có nhiều văn bản, đẩy mạnh thực hiện chính sách đối với người cao tuổi; chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi. Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 21 - CT/TU về "tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi thành phố Hà Nội".
TP.Hà Nội cũng chỉ đạo các cấp Hội người cao tuổi phối hợp với các Trung tâm y tế, bệnh viện và các Trung tâm chăm sóc người cao tuổi thực hiện Đề án chăm sóc sức khỏe, phấn đấu 100% người cao tuổi trên địa bàn được khám sức khỏe định kỳ, lập sổ quản lý sức khỏe.
Các cấp Hội phối hợp với BV Mắt Trung ương và Hà Nội đã khám, tư vấn các bệnh về mắt cho trên 100.000 người cao tuổi, mổ mắt miễn phí cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, tầm soát ung thư cho gần 3.000 người; tổng kinh phí hỗ trợ gần 4 tỷ đồng.
Ngoài ra, các cấp Hội Người cao tuổi cũng phối hợp với các bệnh viện của Hà Nội, các Trung tâm Y tế quận, huyện khám bệnh, theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi trên địa bàn. Người dân khi đến khám sẽ được thăm khám các bệnh như: khám tim mạch, đo huyết áp, khám tai mũi họng, khám răng hàm mặt, khám mắt, siêu âm, đo loãng xương, xét nghiệm 3 chỉ số (Gluocose máu, Triglyceride máu, Cholesterol máu). Người cao tuổi đến khám được lập hồ sơ quản lý và theo dõi sức khỏe tại Trạm Y tế phường, được tư vấn các kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe tại gia đình, chế độ ăn uống, tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý, đồng thời các trường hợp mắc bệnh cần khám chuyên sâu đều được các bác sĩ tư vấn chuyển bệnh viện tuyến trên để khám và điều trị kịp thời.
TP.Hà Nội đầu tư xây dựng cơ sở văn hóa, thể dục thể thao giải trí đáp ứng nhu cầu tinh thần và rèn luyện sức khỏe của người cao tuổi; phát động, hưởng ứng phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng”, “Người tốt - Việc tốt”. Toàn thành phố có 5.689 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao… với 201.223 người cao tuổi tham gia
Trong thời gian tới, thành phố rà soát đầu tư, cải tạo nâng cấp các Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công và Trung tâm bảo trợ xã hội; hoàn thành việc sửa chữa nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, trong đó có người cao tuổi. Đồng thời, tư vấn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, phấn đấu 100% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ, lập sổ quản lý sức khỏe; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho 100% người cao tuổi từ 70 trở lên chưa có thẻ bảo hiểm y tế…
Ngoài ra, thành phố tiếp tục nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đến năm 2025 trên địa bàn thành phố; tổ chức các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao; đầu tư xây dựng cơ sở văn hóa, thể dục thể thao giải trí đáp ứng nhu cầu tinh thần và rèn luyện sức khỏe của người cao tuổi…
Năm 2023, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội đã xây dựng, hướng dẫn triển khai, duy trì mô hình dân số tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, 86 mô hình chăm sóc người cao tuổi ở cộng đồng, 40 câu lạc bộ người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe, 24 mô hình tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; 18 mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên; 10 mô hình truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình tới vùng dân cư đặc thù. Các hoạt động mô hình đã mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Hà Nội: Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và những thách thức về già hóa dân số (Bài 1) tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].