Huyện Quốc Oai đạt hiệu quả tích cực trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi áp dụng mô hình Tsuyama
Dự án “Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi áp dụng mô hình Tsuyama” giai đoạn 2022 - 2024 được triển khai tại 5 tỉnh, thành phố trên cả nước gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Phú Thọ và Thanh Hóa.
Trong đó, xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai, Hà Nội) là một trong những địa phương đầu tiên của Hà Nội được chọn thí điểm triển khai dự án “Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi áp dụng mô hình Tsuyama” giai đoạn 2022 – 2024, trong khuôn khổ chương trình đối tác Phát triển của Dự án JICA (Nhật Bản).
Theo Trung tâm Y tế huyện Quốc Oai, qua điều tra khảo sát thông tin người cao tuổi, tại xã Ngọc Mỹ hiện có 2.353 người cao tuổi, trong đó có 1.424 người trên 60 tuổi. Trên cơ sở điều tra ban đầu về người cao tuổi xã Ngọc Mỹ đã lựa chọn ra 900 người cao tuổi đủ điều kiện, tự nguyện tham gia luyện tập bài tập thể dục tránh ngã tại các tổ dân phố.
Tại các điểm tập dự án đã hỗ trợ 22 máy đo huyết áp và nhiệt kế điện tử; 600 bộ tạ tập tay, 600 bộ tạ tập chân, 23 bộ tranh hướng dẫn các bài tập cho người cao tuổi để tham gia luyện tập thường xuyên. Dự án đã triển khai bài tập tránh ngã tại 22 điểm tập với 66 người tham gia làm huấn luyện viên tình nguyện.
Kết quả, trong 8 tháng đầu năm 2024, mô hình Tsuyama tại xã Ngọc Mỹ đã tổ chức được 580 buổi luyện tập bài thể dục tránh ngã tại 20/22 điểm tập. Thu hút 2.360 lượt người tham gia tập luyện, với thời lượng trung bình từ 50 - 60 phút/ buổi, phù hợp với sức khoẻ của các cụ.
Trung tâm Y tế huyện Quốc Oai thông tin thêm, trong năm 2024, các hoạt động thuộc Dự án sẽ được tiếp tục triển khai tại xã Ngọc Mỹ với mục tiêu triển khai đồng bộ 22/22 điểm tập luyện duy trì từ 1 đến 2 lần/ tuần. Đảm bảo mỗi điểm tập có ít nhất 30 người tham dự. Định kỳ kiểm tra sức khoẻ, tư vấn các biện pháp dự phòng nâng cao sức khoẻ cho người cao tuổi tham gia tập luyện tại địa phương.
Tính đến nay, sau hơn hai năm triển khai chăm sóc sức khỏe người cao tuổi theo mô hình Tsuyama tại xã Ngọc Mỹ đã tạo môi trường thuận lợi, tích cực cho người người cao tuổi tham gia luyện tập bài thể dục tránh ngã tại các điểm tập do Dự án JICA tài trợ.
Kết quả bước đầu của Dự án góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Hơn 790 người cao tuổi ở Long Biên được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã
Cùng với huyện Quốc Oai, quận Long Biên là một trong hai quận, huyện của TP.Hà Nội được lựa chọn triển khai thí điểm Dự án “Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi áp dụng mô hình Tsuyama” giai đoạn 2022 – 2024. Đây là một dự án có ý nghĩa nhân văn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi theo mô hình đã được triển khai thành công tại Nhật Bản.
Hoạt động chính của dự án là hướng dẫn người cao tuổi tập luyện bài thể dục tránh ngã, từ đó nâng cao sức khoẻ cho người cao tuổi. Bài thể dục tránh ngã Nhật Bản gồm 2 phần: Phần cơ bản có 9 động tác và phần nâng cao có 3 động tác.
Tại phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) năm 2023, dự án đã hướng dẫn, hỗ trợ người cao tuổi tập luyện bài thể dục tránh ngã cơ bản và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, dự án đã tổ chức 7 lớp tập huấn với sự hướng dẫn trực tiếp của các chuyên gia Nhật Bản về bài thể dục tránh ngã cho 76 huấn luyện viên và 790 người cao tuổi phường Bồ Đề; tổ chức 648 buổi luyện tập tại 15 điểm tập với 8.420 lượt người tham gia, trung bình 60 phút/buổi; khám sức khỏe cho 263 người cao tuổi tham gia dự án. Người cao tuổi tham gia luyện tập được kiểm tra sức khỏe, đo huyết áp, nhịp tim trước và sau khi luyện tập bài thể dục tránh ngã.
Tiếp nối những kết quả đã đạt được trong hai năm qua, trong năm 2024, đoàn chuyên gia Nhật Bản tiếp tục tập huấn cho các huấn luyện viên, tổ trưởng các tổ và người cao tuổi tham gia dự án tập luyện bài thể dục tránh ngã nâng cao, với 3 động tác, giúp người cao tuổi tránh ngã, nâng cao sức khỏe.
Dự án “Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi áp dụng mô hình Tsuyama” đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Qua đó tạo thói quen chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của gia đình và cá nhân người cao tuổi, của cộng đồng và xã hội; góp phần giảm gánh nặng của xã hội và gia đình người cao tuổi cho việc điều trị các bệnh tật phát sinh ở người cao tuổi. Từ dó giúp người cao tuổi có cơ hội được nâng cao sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, được tham gia đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Hà Nội: Mô hình chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi mang lại nhiều lợi ích, thích ứng với già hóa dân số (Bài 2) tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].