Gần đây, ở Vũ Hán, Trung Quốc xuất hiện một cậu bé tên Lạc Lạc. Trong khi các bạn trong lớp đã thay răng từ khi 6 tuổi, đến năm 8 tuổi Lạc Lạc mới có dấu hiệu thay răng.
Tuy nhiên, răng sữa của Lạc Lạc không hề rụng đi, mà còn mọc thêm một hàm răng vĩnh viễn ở phía trong. Điều này khiến cậu bé bị bạn bè trong lớp gọi là 'quái vật hàm cá mập'.
Nguyên nhân khiến Lạc Lạc gặp phải tình trạng này được gọi là chứng bệnh 'răng cá mập ở trẻ em', chứng bệnh này khiến răng mới vẫn mọc lên bình thường nhưng răng cũ không rụng đi, khiến hàm răng mới mọc lệch và hình thành 2 hàm răng.
Sau khi nghiên cứu chế độ ăn uống của Lạc Lạc, bác sĩ nha khoa cho rằng do thức ăn của cậu bé quá nhuyễn, răng sữa lại không được chăm sóc cẩn thận, từ đó dẫn đến tình trạng này.
Nguyên nhân chứng bệnh 'răng cá mập ở trẻ em'
Khi trẻ khoảng 6, 7 tuổi, răng sữa bắt đầu rụng để thay răng mới. Nhưng có những trẻ đã mọc răng vĩnh viễn, nhưng răng sữa không rụng đi, khiến cho răng vĩnh viễn bị đẩy lùi vào trong.
Nếu không kịp thời nhổ răng sữa đi, sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của răng vĩnh viễn.
Hoạt động chính của răng là để nhai. Vì thế, sau khi trẻ mọc răng sữa, bố mẹ nên cho trẻ tập nhai để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của răng.
Nhưng có nhiều bố mẹ sợ con ăn thức ăn cứng sẽ gây tổn thương cho răng, nên đã chế biến thức ăn cho con thật nhuyễn, cắt nhỏ rau, xay hoa quả thành sinh tố hoặc ép thành nước cho con.
Những thức ăn quá nhuyễn dẫn đến thiếu chất xơ, khi ăn không cần nhai nhiều, ít kích thích sự phát triển của răng, đồng thời khiến chân răng bám chặt vào xương ổ răng.
Từ dó dẫn đến việc răng vĩnh viễn không thể đẩy răng sữa ra ngoài mà chỉ có thể mọc phía trước hoặc sau, hình thành nên 'răng cá mập'.
Việc chăm sóc răng khi còn nhỏ ảnh hưởng rất nhiều đến độ chắc khỏe của hàm răng sau này.
Các chuyên gia kiến nghị, bố mẹ nên dựa vào độ tuổi và khả năng nhai của trẻ để cho trẻ ăn những thức ăn cần phải nhai, như rau, ngô, táo, đậu phông...
Những thực phẩm này giúp kích thích khả năng nhai ở trẻ, thúc đẩy tuần hoàn máu và sự phát triển của lợi, hàm và xương mặt, đồng thời giúp răng sữa có thể rụng dễ dàng khi đến tuổi thay răng.
Cần làm gì để tránh 'răng cá mập'
Bố mẹ nên theo dõi quá trình thay răng của con để kịp thời nhổ răng sữa khi răng vĩnh viễn đã mọc mà răng sữa chưa rụng.
Cùng với độ tuổi và quá trình phát triển của hàm, răng vĩnh viễn của trẻ sẽ trở nên đều đặn. Nếu đến năm 12, 13 tuổi mà răng của trẻ vẫn chưa đều, bố mẹ có thể chọn cách nẹp răng cho trẻ.
Cách chăm sóc răng miệng:
1. Đánh răng 2 lần/ ngày
2. Nên sử dụng bàn chải đánh răng tích hợp khả năng chải lưỡi để làm sạch cả lưỡi
3. Dùng chỉ nha khoa để làm sạch răng sau khi ăn
4. Hạn chế các thực phẩm có thể gây mùi hôi ở miệng như tỏi, rượu, thuốc lá, cà phê, kẹo, bánh ngọt, nước ngọt có gas…
5. Ăn nhiều trái cây và rau, giới hạn thịt và chất béo, pho mát có mùi mạnh
6. Giữ miệng ẩm bằng cách uống nước thường xuyên
7. Đi khám nha sỹ đều đặn, ít nhất 1 lần/năm để lau chùi răng
8. Súc miệng thường xuyên với nước cốt chanh pha nước
9. Uống trà đen hoặc trà xanh có tác dụng chống lại sự tăng trưởng của vi khuẩn trong miệng
Lam ĐiểuBạn đang xem bài viết Cậu bé có hai hàm răng bị bạn gọi là 'quái vật' do chế độ ăn uống sai lầm tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].