Tết cổ truyền sắp đến, mà trong mâm cỗ Tết của người miền Bắc thường có món canh măng nấu xương. Rất nhiều người tỏ ra lo lắng về việc ăn măng ngày Tết có gây hại cho sức khỏe?
Giải đáp vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó viện trưởng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay: “Với một mâm cỗ Tết có quá nhiều đạm, chất béo, tinh bột…, nào là bánh chưng, xôi, giò, chả, thịt gà, thịt đông…, thì việc bổ sung thêm bát canh măng vào mâm cỗ Tết sẽ giúp ngon miệng hơn, bớt ngán ngấy vì mấy món nhiều đạm, béo.
Mặc dù măng không có nhiều dinh dưỡng, hầu như chỉ cung cấp chất xơ không hòa tan cho cơ thể nhưng chất xơ này cũng giúp làm đầy đại tràng, giúp đại tràng co bóp và tống chất thải ra ngoài nhanh hơn, từ đó giúp giảm tình trạng táo bón.
Có một số người cũng lo lắng việc ăn măng gây tắc ruột, ngộ độc thực phẩm vì thực tế đã có rất nhiều ca bị tắc ruột, bị ngộ độc sau khi ăn măng và phải vào viện cấp cứu.
Để tránh tình trạng này, người dân nên chú ý chọn mua măng sạch, không ngâm tẩm hóa chất, khi mua về cần ngâm kỹ, rửa nhiều lần bằng nước sạch, luộc kỹ trước khi chế biến để loại bớt các chất độc có trong măng. Khi ăn nên ăn một lượng vừa phải, không ăn quá nhiều để tránh gây hại”.
Ngoài ra, một số đối tượng sau được các chuyên gia y tế khuyến cáo không nên ăn măng để tránh rước họa vào thân.
Người bị đau dạ dày
Măng có chứa một hàm lượng lớn acid cyanhydric, là chất độc hại cho dạ dày. Người bị đau dạ dày thường cần kiêng khem rất kỹ trong việc ăn uống để không khiến bệnh tái phát sau khi đã chữa trị, vì thế măng khô chính là món ăn cần tránh xa.
Người mới ốm dậy
Người mới ốm dậy, sức đề kháng vẫn còn yếu nên khả năng chống độc vẫn chưa tốt. Do đó người mới khỏi bệnh không nên ăn măng vì măng chứa một lượng glucoxit nhất định.
Bình thường glucoxit không mấy gây hại cho cơ thể nhưng khi cơ thể không được khỏe, glucoxit phân hủy với men tiêu hóa và chất chua trong dạ dày dễ dẫn đến tình trạng nôn mửa.
Người bị bệnh gout
Những người bị bệnh gout luôn phải cẩn trọng với chế độ ăn, nhất là trong những ngày Tết để tránh làm tăng lượng acid uric trong máu, làm bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Các loại thực phẩm có tốc độ tăng trưởng nhanh như măng tre, măng trúc, măng tây sẽ làm gia tăng tốc độ tổng hợp acid uric trong cơ thể, vì thế người bị bệnh gout cần tránh xa.
Người bị bệnh thận
Khi bị bệnh thận, chế độ ăn uống cần được chú ý đặc biệt. Trong khi đó, các loại măng tây, măng tre là thực phẩm giàu canxi, không có lợi cho bệnh thận mãn tính và suy thận.