Năm mới đã được 2 ngày, nhưng tôi có cảm giác rất rõ rệt về những điều bình yên và nhẹ nhõm. Thời tiết thật sự tuyệt, trời ấm và trong. Bạn bè tôi dù có chịu buồn thương trong năm cũ, giờ gặp nhau hay qua điện thoại cũng cảm nhận được sự thanh thản “biết là đủ” của mỗi người.
Những ngày này, tôi ít khi online mà chỉ quanh quẩn trong bếp nấu ăn cho gia đình. Một mình 1 bếp, nấu rồi rửa dọn, nhưng không có chút nào cảm giác vất vả.
Tôi đặt trọn vẹn tâm trí mình vào món ăn, khi nhặt rau, khi đợi 1 nồi hầm, khi cuốn nem, khi rửa bát. Và thấy sự trở về chính mình rất rõ trong những hành động nhỏ nhặt ấy.
Sau đó, hạnh phúc của người thân yêu khi quây quần quanh mâm cơm mình vừa nấu – thì đó là tưởng thưởng thêm cho tôi.
Từ quê về đến nhà, mở cửa có con Nắng ra đón, nó lẽo đẽo đi theo như con chó con. Rồi nó dụi đầu vào chân nũng nịu, rồi nó ngồi im bên cạnh xem tôi loay hoay cửa nhà, khi tôi đọc sách – Nắng nằm liu thiu ngủ dưới chân.
Tình yêu và lòng tin cậy chẳng cần ngôn ngữ nào, nó như không khí của mùa xuân thanh sáng này, bao phủ lấy tôi trong im lặng dịu dàng.
Nhà ở Ecopark chỉ là chỗ tụi tôi lui về tạm nghỉ lấy sức rồi lại rong ruổi về nội về ngoại. Tết đi nhiều thì mệt, nhưng nhớ là bố mẹ đang đỏ mắt đợi mình, con về mới là Tết – thì lại tay xách nách mang về với ông bà.
Tôi cứ nghĩ thời gian của bố mẹ ngắn dần, ngoảnh đi ngoảnh lại hết 1 năm đời người, nên giờ về nhà chỉ cố gắng nói những điều nhẹ nhõm, nấu ăn cho bố mẹ, tuyệt đối không cự cãi những quan điểm của người già.
Giữa hai nhịp về nội ngoại, tụi tôi ghé qua nhà để thay đổi vali đồ. Chăm con Nắng, tưới mấy chậu cây bé xíu của Thóc. Buổi tối của 3 người trong căn nhà vẫn như ngày thường không trang hoàng gì hơn, thấy dễ chịu tuyệt đối.
Tôi đốt lư trầm, bật 1 list nhạc yêu thích, tất cả các căn phòng đều gọn ghẽ với ga gối mới thơm mùi nắng, con Thóc ngồi mê mải vẽ, bố mẹ nó uống 1 chai rượu ngon và cứ chill chill như thế cho đến lúc gà gật đi ngủ. Cũng nấn ná an nhàn như vậy được thêm vài ngày nữa.
Cảnh mỗi người 1 góc nhà ôm quyển sách của mình rồi ngủ quên quyển sách rơi bộp giữa trán sẽ chỉ là ký ức của những ngày nghỉ ngơi thong thả này. Rồi nhịp sống lại cuồn cuộn chảy, thúc giục, hưng phấn và đầy áp lực – để lúc nào mệt quá ngồi xuống thở còn nhớ là cứ đi đi, rồi cuối con đường của 1 năm luôn có điều êm ả đợi mình.
Thêm một tuổi, tôi nhận được là:
-Tham muốn luôn vô cùng, chúng ta vừa chạm đích này thì đích khác đã kịp mọc ra – người hạnh phúc là người biết hài lòng với những gì mình đang có.
-Đừng nhìn sang người khác mà đau khổ vì những thứ mình không có. Cuối cùng, ai Được gì, ai Mất gì – thì do họ Xứng Đáng được (và bị) như vậy. Cái khó nhất hoá ra là ta nhẹ nhõm công bằng nhìn nhận được tài năng, nỗ lực và sự giỏi của người khác.
Khi đôi mắt mình nhìn được vẻ đẹp từ người khác, mình thấy cuộc sống hay vô cùng vì có quá nhiều làm cho nó hay hơn mỗi ngày.
-Ai gây cho mình đau khổ, thì đó là điều nhất định mình phải trải qua. Không người đấy thì sẽ là người khác với nỗi đau khổ khác. Trở ngại giúp ta lớn lên và mạnh mẽ hơn, đi hết một trở ngại là mình xong 1 khoá học lớn về Làm Người.
-Không đòi hỏi ai thay đổi vì mình, bởi điều đó là không thể. Hãy tự tìm cách thích ứng và thay đổi bản thân để khớp với hoàn cảnh ấy, mối quan hệ ấy. Khi mình dễ chịu, mình thích ứng, người khác sẽ tự chấp nhận và thay đổi vì mình, mọi chuyện sẽ uyển chuyển vận động theo mình một cách tự nhiên.
-Mạnh dạn tin lựa chọn riêng của mình. Từ hơn 3 thập kỷ trước ông Milan Kundera đã viết là “người thì nhiều cử chỉ thì ít” – cuối cùng 1 cử chỉ riêng hoá ra hiếm lắm, sự khác biệt không phải là kì dị quần áo hay phụ kiện ngoại thân, mà là tư tưởng của ta có gì khác với những suy nghĩ đồng phục ngoài kia.
Chúng ta sẽ phải đào sâu hơn chính vốn sống của mình, trầm tích văn hoá của mình, ADN của mình – để là một thực thể độc bản. Sự khác biệt ngày càng có giá trị và được tôn vinh.
Hãy dạy bọn trẻ con tôn trọng suy nghĩ của chính chúng nó, sự ngoan ngoãn phục tùng để giống như mong ước của bố mẹ về “con ngoan trò giỏi” theo nghĩa truyền thống – có thể gây ra thất bại của một con người trong tương lai.
-Đã đến lúc thực sự nghiêm túc việc cư xử tử tế và trách nhiệm với môi trường. Con người muốn chữa lành chính mình thì hãy bắt đầu từ việc chữa lành tự nhiên, bằng việc cố gắng không làm phiền thiên nhiên nơi mình đi qua, nơi mình sống.
Khi nhìn 1 vạt rừng xơ xác, 1 dòng sông bị ô nhiễm- bạn cần biết xót ruột, nhìn những con động vật bơ vơ hoặc bị nhiễm độc, bị hành hạ - bạn phải biết đau. Đó là lòng trắc ẩn giữa những sinh mệnh được tồn tại công bằng trong tự nhiên này.
Những gì chúng ta ném vào tự nhiên, lúc nào đó sẽ phải nhận lại. Nếu có thể, hãy thương thêm 1 con vật, trồng thêm 1 cái cây.
Một chút tâm sự đầu năm mới, cầu chúc mọi người sự hài hoà và an lành trong lòng, có nhiều công việc để chăm chỉ cố gắng trong năm 2021 này.
Nguyễn Quỳnh Hương
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Vừa ăn Tết vừa chiêm nghiệm cuộc đời tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].