Ở những thời điểm khác nhau trong đời, chúng ta lại muốn có những công việc khác nhau.
- Có lúc chúng ta ưu tiên học tập, kiếm nhiều tiền hơn và sẵn sàng dành thời gian làm nó.
- Có lúc chúng ta muốn ưu tiên thời gian khác bên cạnh công việc, chẳng hạn như ở nhà chăm sóc con cái.
- Có lúc chúng ta lại muốn làm mới chính mình, làm mới bản thân, trong một vai trò mới và thậm chí một ngành nghề mới.
Thật ra nếu như mọi người hiểu được những giai đoạn này trong sự nghiệp, chúng ta sẽ có thể tìm được những công việc phù hợp với bản thân và làm nó một cách trọn vẹn.
Kỳ lạ là bất cứ khi nào mình hỏi những bạn học viên mới tư vấn về chuyện em muốn có công việc thế nào, khá nhiều trong số đó trả lời rằng họ muốn mình thay đổi, mình khác đi, mình không phù hợp với những gì đang làm...
Trong quá trình những người này tìm kiếm cách thức hay sự giúp đỡ để đạt được công việc mơ ước của họ, câu trả lời lại quá giống nhau:
- "Hãy cứ theo đuổi đam mê của mình"
- "Có việc là tốt rồi"
- "Cứ làm tốt đi rồi em sẽ được thăng chức"
Mục tiêu nghề nghiệp của mỗi người không chung chung và không phù hợp được với tất cả. Vậy thì tại sao các lời khuyên nghề nghiệp lại đều chung chung và dường như phù hợp với tất cả?
Giờ là một vài điều mình ngẫm ngợi được:
1. Không có giai đoạn nào tốt hơn giai đoạn nào. Điều quan trọng không phải là bạn nên ở giai đoạn nào mà bạn ở giai đoạn đó có đúng thời điểm và phù hợp với bạn hay không.
2. Chúng ta tự nhiên chuyển đổi hoặc rời bỏ những giai đoạn này khi chúng ta lớn lên, già đi. Cũng như xuân hạ thu đông... dù nếu tất cả đều xảy ra cùng 1 lúc thì tốt biết bao nhưng hoa anh đào sẽ chỉ nở vào mùa xuân và điều đó luôn không đổi. Quan trọng là bạn biết mình đang ở đâu, bạn chọn được phần phù hợp với bạn và bạn chỉ có thể chọn 1 thôi.
Bạn không thể cưỡng cầu theo kiểu tôi đang chăm con nhỏ và tôi phải kiếm được thật nhiều tiền, phải tranh thủ học được thật nhiều trong lúc này. Điều đó vô cùng khó. Bạn có trượt tuyết vào mùa hè được không?
Sẽ chỉ có một giai đoạn để bạn thúc đẩy sự nghiệp của mình và có những giai đoạn bạn cần xả năng lượng nhiều hơn. Nó phụ thuộc vào những gì chúng ta muốn và chúng ta biết mình đang ở giai đoạn nào.
Cá nhân mình đã trải qua giai đoạn học tập điên cuồng và trang bị kiến thức dù không hẳn đã kiếm được thật nhiều tiền. Còn những ngày này mình đang ở trong giai đoạn ưu tiên chăm sóc con cái.
2 năm qua, cũng vì muốn ưu tiên cho con cái và gia đình mà mình chọn mình làm freelancer. Mình hài lòng với lựa chọn đó vì nó đúng thời điểm và mình làm nó trong khả năng. Nhiều việc quá thì buông bỏ bớt, không tham lam ôm đồm, sắp xếp gọn gàng sự nghiệp với cuộc sống riêng (dù thật may đây lại trở thành giai đoạn mình tích lũy tài sản được khá tốt).
3. Cuối cùng, dù là bạn có thể ở trong 2 giai đoạn cùng 1 lúc, có lẽ điều quan trọng vẫn là chúng ta phải lựa chọn, và nên chọn 1 mà thôi.
Có lẽ những ai muốn vượt lên trên, muốn dẫn đầu, muốn đi xa thì không thích lời khuyên này. Nhưng cố gắng làm nhiều việc cùng một lúc đồng nghĩa với việc bạn không cố gắng hết sức.
Bạn nghĩ mình đang ở trong giai đoạn nào?
Linh Phan
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Các giai đoạn của cuộc sống tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].