Mà không nghĩ rằng sự tử tế, việc tử tế, đôi khi bé xíu nhưng lấp lánh không khác gì với sự “tử tế có số má” kia.
Những ngày dịch dã, tôi đã gặp cơ man nào những tử tế thường tình như thế, ngoài kia. Đôi khi chỉ là việc dừng lại giữa cái nắng gay gắt, mua 1 chai nước, dăm gói mỳ để tặng một người vô gia cư.
Đôi khi lại là việc từ chối gói hỗ trợ an sinh xã hội của một người cũng đang chắt chiu, bóp mồm bóp miệng để sống qua những ngày giãn cách. Họ từ chối bởi họ có thể kháng cự được thêm ít ngày nữa trong khi nhiều người khác còn khổ hơn họ, cần gói hỗ trợ an sinh này.
Hay cả việc nhường cơ hội tiêm vắc xin cho người khác cần hơn khi mỗi tòa trong khu chung cư của tôi được đăng ký tối đa 75 suất tiêm đợt đầu tiên này. Nhiều người nhường lại cho những người quan trọng hơn dù họ cũng đang mong được tiêm sớm.
Hay khi, chỉ là giả dụ với nhau thôi, các hàng xóm của tôi bàn luận với nhau về việc nếu một ngày đóng tiền để được tiêm vắc xin, họ sẽ đóng gấp đôi, gấp ba số tiền phải đóng để mua thêm vài mũi tiêm cho những người yếu thế.
Khi tôi nhìn về phía những lấp lánh, tôi sẽ thấy trong những lời cầu cứu trên bản đồ là số người đã tham gia trợ giúp cho những lời cầu cứu đó. Trên Zalo của chúng ta đang có tấm bản đồ đó, quét xung quanh để xem ai cần trợ giúp.
Hay khi tôi nhìn về phía những lấp lánh, tôi sẽ thấy trên FB những hội nhóm #NgườiViệtThươngNhau hay Hà Nội giúp nhau qua mùa dịch… tôi thấy được những gánh rau vui vẻ hay bữa cơm 0 đồng.
Khắp mọi nơi, đủ mọi lứa tuổi, hoàn cảnh đều sẵn sàng trợ giúp. Chưa khi nào làn sóng làm việc thiện nguyện lớn như lúc này. Ai cũng có thể trở thành một Mạnh Thường Quân bằng những điều bé nhỏ nhất họ có thể làm. Đó chính là những tử tế thường tình.
Khi chúng ta quen với những lấp lánh rồi, chính chúng ta cũng sẽ lấp lánh theo. Khi đó, tin tôi đi, bạn sẽ thấy sống tử tế, cư xử tử tế, hành động tử tế, là lẽ đương nhiên trong mỗi chúng ta.
Hoàng Anh Tú
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Tử tế trong mùa dịch tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].