Trên một bờ đá của một con kênh chạy qua Copenhagen, thủ đô của Đan Mạch có bức tượng nàng tiên cá.
Bức tượng bằng đồng có hơn 100 năm tuổi này được tạo cảm hứng từ truyện nàng tiên cá của nhà văn chuyên viết truyện cổ tích Hans Christian Andersen (1805-1875).
Bo, người quản lý ở hostel mình đã ngủ mấy đêm tại ngoại ô Copenhagen, đã cười nấc lên khi mình hỏi tại sao tượng nàng tiên cá lại nhỏ đến thế, tại sao người ta không làm một cái thật lớn trên cảng biển Langelinje ở phía ngoài trung tâm thành phố, để ai đi qua cũng có thể nhìn thấy ngay.
“Cậu không hiểu một điều thật giản đơn ư?”, Bo trả lời bằng một câu hỏi. “Ở Đan Mạch, chúng tôi quan niệm giá trị tự thân của mỗi người hay thậm chí của một tượng đài cũng thế, không nằm ở hình thức hay kích thước của nó. Cái tôi của mỗi người cũng như kích thước của bức tượng không làm nên giá trị của nó, mà là điều gì nó thể hiện”.
Bo bảo rằng, người Đan Mạch thích giản dị, tiết kiệm, kể cả khi bây giờ rất giàu và sống gần gũi với thiên nhiên, môi trường.
Copenhagen là một bãi đỗ xe đạp và những con phố đi xe đạp khổng lồ. Thành phố sạch, xanh với những công viên rộng lớn và đang hướng tới mục tiêu sẽ không có khí thải từ động cơ vào năm 2025, những hệ thống phương tiện công cộng tiện lợi và lịch sự, những người dân đi lại vẫn tự động mua vé dù không hề có người soát vé hay các cửa tự động ở tàu hỏa, tàu điện ngầm.
Tin tưởng trở thành một điều quan trọng trong cuộc sống ở nơi này: đóng thuế thu nhập cao nhất nhì châu Âu, nhưng đổi lại, họ rất tin Chính phủ, tin nơi làm việc, tin mọi người xung quanh, tin vào chế độ phúc lợi xã hội rất tốt, trong một xã hội có tỷ lệ tội phạm rất thấp, tham nhũng lại càng thấp và những đứa trẻ đi học từ mẫu giáo đến đại học đều miễn phí, sinh viên được trợ cấp hàng tháng, người thất nghiệp cũng thế; tương tự như thế là dịch vụ y tế, hầu hết là free.
Càng giàu thì Đan Mạch càng văn minh, càng hướng đến môi trường và thêm giản dị trong cách sống. Những năm qua, Đan Mạch và các nước Bắc Âu khác luôn nằm trong top đầu của danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Triết lý hạnh phúc theo kiểu Đan Mạch từ lâu đã được chú ý, như một cách để người ta hiểu tại sao họ lại là một quốc gia hạnh phúc. Nhưng triết lý hạnh phúc theo kiểu Đan Mạch là hygge (đọc là “hoo-ga”, tạm dịch là “sung túc”) thực ra không đến nỗi quá khó hiểu.
Đấy là một phong cách sống đề cao sự hưởng thụ cuộc sống theo cách hoà mình vào thiên nhiên, thường xuyên đi du lịch, tham gia các hoạt động thể thao, vui vẻ với bạn bè và người thân gia đình, chia sẻ cùng nhau những câu chuyện của cuộc sống, trang trí nhà cửa một cách trang nhã, với những căn phòng gọn ghẽ và nhiều ánh sáng tự nhiên, ăn những thức ăn hoặc tự chế biến từ các nguyên liệu thiên nhiên, hoặc đồ hữu cơ sạch và tốt cho cơ thể.
Trương Anh Ngọc
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Sống hạnh phúc như người Đan Mạch có khó không? tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].