Có những người không muốn người khác được hạnh phúc hơn họ. Họ đau khổ và họ muốn thiên hạ cũng phải đau cùng cái đau của họ.
Họ có chồng không ra gì thì mọi phụ nữ khác cũng phải có những người chồng không ra gì. Họ nghèo thì cấm ai được giàu.
Họ hậm hực với bất cứ ai vui hơn họ, hạnh phúc hơn họ. Và họ sẽ làm mọi cách để vùi dập niềm vui của người khác, rút cạn kiệt năng lượng tích cực của người khác bằng suy nghĩ tiêu cực của họ, nghi ngờ của họ, định kiến của họ và bằng cả sự hiểu biết hạn hẹp của họ.
Tôi vẫn nói, đã nhiều lần về việc những đứa con chỉ hạnh phúc khi cha mẹ chúng hạnh phúc. Một đứa trẻ lớn lên trong sự cáu bẳn của mẹ chúng thì mai này, rất có thể, chúng sẽ lặp lại đúng sự cáu bẳn đó với con của chúng.
Một đứa trẻ suốt ngày bị cha mẹ chúng nói về sự khổ cực của họ thì sẽ lớn lên cùng tư duy người khổ cực, ăn chẳng dám ăn, mặc không dám mặc, thậm chí không biết đến cái đẹp chỉ thấy cái rẻ, không biết đến ăn ngon chỉ biết ăn cho no, không biết đến giá trị chỉ nhìn ra trị giá, không biết đến trân trọng chỉ nghĩ mình được phân phát ban ơn…
Làm một cha mẹ hạnh phúc không phải cần đến cái túi rủng rỉnh tiền thích gì mua nấy mà chỉ cần là mình làm chủ được đồng tiền của mình, mình kiếm ra những đồng tiền ấy bằng sức lao động của mình.
Nỗ lực để làm việc tốt hơn nữa chứ không phải muốn làm ít hưởng nhiều, nhìn đám con ông cháu cha lười biếng nhưng có nhiều tiền mà cay cú, hậm hực. Nâng giá trị của mình lên bằng sự tận tâm, chịu khó học hỏi, nâng cao.
Chẳng ai có thể trở thành chuyên gia nếu không trải qua cả quá trình tu tập, luyện tập, dốc mình, dốc sức. Đừng nói về bất công cuộc đời bằng sự thiên vị cho bản thân mình.
Làm một cha mẹ hạnh phúc càng không phải cần một gia đình hạnh phúc. Nếu có được gia đình hạnh phúc thì tốt rồi nhưng kể cả khi chỉ còn mình mình thì mình vẫn có thể trở thành ông bố hạnh phúc trong mắt con, bà mẹ hạnh phúc trong mắt con.
Đừng biến đối phương, người phối ngẫu thất bại của mình thành thứ gớm ghiếc trong mắt con mình.
Không cần phải giấu con về những đổ vỡ hay những thiếu thốn nhưng nhất định phải nhìn những đổ vỡ, thiếu thốn đó một cách tích cực hơn.
Bạn đã sẵn sàng trở thành một ông bố hạnh phúc- một bà mẹ hạnh phúc trong mắt con cái của mình chưa?
Nhà văn Hoàng Anh Tú
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Lựa chọn hạnh phúc hay đau khổ cho mình tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].