Bỏ qua xứ sở hoa Anh Đào thơ mộng, cụ bà 75 tuổi chọn sống một mình trong viện dưỡng lão

Bà dự định nếu dịch ổn định sẽ sang Nhật chơi với con cháu vài tháng cho bớt nhớ rồi lại về Việt Nam sống với các bạn già trong viện dưỡng lão.

Bỏ qua xứ sở hoa Anh Đào thơ mộng, cụ bà 75 tuổi chọn sống một mình trong viện dưỡng lão 0

Trong căn phòng nhỏ của mình tại viện dưỡng lão, bà Phạm Thị Tuyết Hằng (75 tuổi) ngắm nhìn bức ảnh cũ đen trắng chụp 2 vợ chồng, nhớ về những kỷ niệm xưa cũ. 

Cảm động cặp vợ chồng già chăm nhau suốt 5 năm trong viện dưỡng lão

Bà Hằng có 2 người con trai, nhưng cả 2 cùng đang sinh sống ở Nhật Bản. Khi 2 vợ chồng bà Hằng về hưu, các con ngỏ ý muốn đón bố mẹ qua Nhật phụng dưỡng nhưng ông bà từ chối.

Chồng bà Hằng cho rằng: “Mình có quê hương, có chế độ bảo hiểm khi về hưu thì sao phải sống ở nước ngoài”.

Hơn nữa, dù sang Nhật sống, nói là gần con cháu nhưng các con của bà Hằng đi làm suốt ngày, các cháu thì đi học, cũng chỉ 2 ông bà ở nhà với nhau.

Đã vậy, ở nơi đất khách quê người, không thông thạo ngôn ngữ, không có người quen, bạn bè nên ông bà cũng không quá mặn mà.

Một điều đáng ngại nữa là thời tiết mùa đông ở Nhật lại rất lạnh, không phù hợp với sức khỏe của người già, nhất là với những người bị bệnh đau nhức xương khớp như bà Hằng thì lại càng ảnh hưởng.

Vì không muốn ra nước ngoài sinh sống nên khi nhớ con, nhớ cháu, 2 ông bà lại dành vài tháng mùa hè sang Nhật chơi, thăm con cháu, rồi đến mùa đông lại trở về Việt Nam tự chăm sóc nhau trong căn nhà nhỏ ở Cầu Giấy, Hà Nội.

  Bà Phạm Thị Tuyết Hằng (ở giữa) chăm sóc chồng mình chu đáo trong những ngày ông đau ốm

Bà Phạm Thị Tuyết Hằng (ở giữa) chăm sóc chồng mình chu đáo trong những ngày ông đau ốm

Nhưng sức khỏe của ông bà ngày càng yếu đi, nhất là ông lại có thêm dấu hiệu lú lẫn của tuổi già. Lo lắng cho sức khỏe của bố mẹ ở quê nhà, các con bà Hằng làm công tác tư tưởng, thuyết phục bố mẹ đi Nhật mãi vẫn không được.

Không thắng được bố mẹ nên các con bà Hằng quyết định tìm một cơ sở chăm sóc người già uy tín để gửi bố mẹ mình vào đó.

Phương án thuê người giúp việc chăm sóc ông bà tại nhà cũng được đưa ra nhưng để tìm được người phù hợp rất khó, đồng thời, vợ chồng bà Hằng cũng không thích người lạ sống cùng.

Hơn nữa, các con bà Hằng cũng muốn bố mẹ được chăm sóc cả về y tế chứ không đơn giản chỉ là có người ở bên chăm lo sinh hoạt thường ngày.

“Người giúp việc họ không biết gì, bảo đâu họ làm đấy, nhỡ chúng tôi già lẫn, có bệnh gì đột ngột cần cấp cứu thì không biết xoay xở ra sao, các con thì ở xa, “nước xa không cứu được lửa gần”.

Trong khi đó, nếu vào viện dưỡng lão thì cả các con và vợ chồng tôi đều yên tâm hoàn toàn. Bởi ở đây có người chăm sóc, phục vụ ăn uống, sinh hoạt, có hệ thống y tế theo dõi sức khỏe, cấp cứu khi cần thiết, có những người bạn già để giao lưu, tập thể dục cùng…” – bà Hằng nói.

Muốn bố mẹ được ở một địa điểm an dưỡng tuổi già tốt nhất nên các con của bà Hằng tốn khá nhiều thời gian để xem xét, tham khảo nhiều nơi và lựa chọn Trung tâm chăm sóc Người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức.

“Cùng các con đi xem nhiều nơi, thấy trung tâm này ưng ý nhất nên 2 vợ chồng tôi về cho thuê nhà ở Cầu Giấy và chuyển vào đây thuê một phòng rộng khoảng 30m2, với đầy đủ tiện nghi cho 2 người ở. Chi phí một tháng hơn 20 triệu đồng” – bà Hằng chia sẻ.

Suốt 5 năm sống trong viện dưỡng lão cùng chồng, nhất là từ ngày sức khỏe ông suy yếu, đi lại khó khăn, quên quên nhớ nhớ là bà Hằng chưa rời khỏi ông một bước.

Hàng ngày bà luôn cạnh chồng và chăm sóc ông từng li, từng tí, bón cho ông từng thìa thức ăn. Nhìn khung cảnh đó không ít người cảm động trước tình nghĩa vợ chồng của họ.

  Những khoảnh khắc hạnh phúc, ngọt ngào của vợ chồng bà Phạm Thị Tuyết Hằng

Những khoảnh khắc hạnh phúc, ngọt ngào của vợ chồng bà Phạm Thị Tuyết Hằng

Cuộc sống hạnh phúc tuổi xế chiều của vợ chồng bà Hằng tại viện dưỡng lão kéo dài suốt 5 năm. Cho đến năm ngoái, bệnh tình của ông tiến triển nặng và bỏ bà ở lại.

Khi ông còn sống, vợ chồng bà Hằng đã thống nhất với các con chuyện vợ chồng mình đăng ký hiến mô tạng và hiến xác cho y học khi chết.

Quyết định này của ông bà lúc đầu cũng gặp phải sự phản đối, lo lắng của các con. Nhưng qua sự phân tích của bố mẹ, hiểu được việc làm đầy ý nghĩa và cao cả của bố mẹ là “cái chết để phục vụ cho sự sống” nên các con của bà Hằng đã ủng hộ bố mẹ.

“Chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản, chúng tôi cũng chỉ là hạt cát trên sa mạc, nên là sống như thế nào cho có ý nghĩa, làm được cái gì phúc cho đời thì mình hãy làm” – bà Hằng tâm sự.

Chọn sống một mình trong viện dưỡng lão để lưu giữ kỷ niệm về người chồng quá cố

Đến nay, chồng bà Hằng đã mất được một năm nhưng bà vẫn chọn sống tại căn phòng nhỏ ở viện dưỡng lão, nơi 2 vợ chồng chung sống suốt 5 năm để lưu giữ những kỷ niệm về chồng mình.

Trong căn phòng nhỏ, ngoài ảnh của con cháu, cụ bà 75 tuổi còn treo ảnh kỷ niệm 19 năm ngày cưới của 2 vợ chồng mình. Tại góc nhỏ của khung ảnh còn cài tấm ảnh cưới đen trắng chụp ngày xưa.

  Trong căn phòng nhỏ của mình ở viện dưỡng lão, bà Hằng treo ảnh kỷ niệm ngày cưới của mình và ảnh các cháu nội

Trong căn phòng nhỏ của mình ở viện dưỡng lão, bà Hằng treo ảnh kỷ niệm ngày cưới của mình và ảnh các cháu nội

“Chúng tôi đã sống được với nhau 50 năm, ông là một người tình cảm. Chúng tôi còn chụp ảnh kỷ niệm 19 năm ngày cưới.

Ở đây có nhiều kỷ niệm của hai vợ chồng, tôi sống trong căn phòng này đã 6 năm, quá quen thuộc nên cũng không muốn chuyển.

Lúc ông mất, tôi cũng tục trực suốt đêm trong phòng với ông. Các cháu nhân viên của trung tâm bảo tôi sang phòng bên nằm nghỉ nhưng tôi không muốn đi.

Tôi quan niệm, tôi đã sống với ông mấy chục năm, nên muốn ở cùng ông nốt những giây phút cuối đời.

Sau khi ông đi, tôi ở một mình trong căn phòng đầy ắp kỷ niệm cũng buồn lắm, nhưng may mà có các cháu nhân viên quan tâm, luôn động viên, nói chuyện để tôi vui vẻ” – bà Hằng kể.

Dù rất muốn mẹ sang Nhật sinh sống cùng nhưng các con của bà Hằng vẫn tôn trọng quyết định của mẹ.

Mẹ muốn sống trong căn phòng cũ mà bố mẹ đã sống suốt 5 năm qua nên các con bà Hằng tạo mọi điều kiện để bà có cuộc sống tốt nhất. Bà Hằng ở một mình nên mỗi tháng các con phải chi trả 16 triệu đồng (trước kia 2 ông bà ở chi phí là hơn 20 triệu đồng).

  Ngồi ngắm ảnh con, cháu là một trong những niềm vui của bà Hằng mỗi ngày

Ngồi ngắm ảnh con, cháu là một trong những niềm vui của bà Hằng mỗi ngày

Hiện, cuộc sống tại viện dưỡng lão của bà Hằng mỗi ngày trôi qua khá vui vẻ và thoải mái. Mọi dịch vụ sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe đều được nhân viên của trung tâm phục vụ rất chuyên nghiệp.

“Nhân viên ở đây rất quan tâm đến người già, hiểu tâm lý của người già và rất ngoan, cứ gặp là sẽ chào hỏi lễ phép. Tôi rất hài lòng về điều đó” – bà Hằng đánh giá.

Ngoài tham gia các hoạt động tập thể của trung tâm, trò chuyện, tập luyện thể dục cùng các bạn già..., bà Hằng cũng có những thú vui riêng của mình như đọc sách, độc báo, ngồi xem lại cuốn album cũ lưu giữ ảnh đi chơi của cả gia đình. Khi thấy nhớ con cháu thì bà gọi điện, gọi video, nhắn tin cho các con cháu…

Cụ bà 75 tuổi cũng hồ hởi khoe về kế hoạch sắp tới của mình: “Năm nay nếu dịch ổn định, có thể mùa hè tôi sẽ sang Nhật chơi với con cháu vài tháng cho bớt nhớ. Đến mua đông lạnh tôi lại về Việt Nam sống với các bạn già trong viện dưỡng lão”.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính