Báo Điện tử Gia đình Mới

Bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam thành lập khoa COVID-19

Thay vì các khu/đơn vị điều trị COVID-19, bệnh viện này đã thành lập khoa COVID-19 để chăm sóc bệnh nhân toàn diện hơn, tập trung phương tiện, nhân viên y tế chuyên khoa, có thể điều trị tốt nhất cho người có bệnh nền.

Thông tin từ BV Nhi đồng 1 TP.HCM, chiều mai 7/1, bệnh viện sẽ tổ chức lễ thành lập Khoa COVID-19. Đây là bệnh viện đầu tiên ở TP.HCM thành lập khoa COVID-19.

Khoa COVID-19 của BV Nhi đồng 1 có khoảng 150 giường bệnh, chia thành 2 khu vực riêng biệt:

Khu điều trị COVID-19 có 120 giường bệnh, tiếp nhận và điều trị các trường hợp bệnh nhân, thân nhân người bệnh nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 được phân loại điều trị thuộc tầng 1 và tầng 2, bao gồm bệnh nhân có triệu chứng nhẹ - trung bình hoặc có chỉ định điều trị bệnh lý nền và không cần hồi sức tích cực.

Khu hồi sức COVID-19 gồm 30 giường, tiếp nhận và điều trị bệnh nhân, thân nhân người bệnh nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 được phân loại điều trị thuộc tầng 3. Đó là những bệnh nhân nặng hoặc nguy kịch, có rối loạn huyết động, tổn thương đa cơ quan cần hồi sức và hỗ trợ hô hấp tích cực với các kỹ thuật chuyên sâu như NCPAP, HFNC, thở máy không xâm lấn và xâm lấn, hoặc cần can thiệp lọc máu liên tục, ECMO.

Ngoài ra, ngay tại khoa còn có khu vực phòng mổ áp lực âm dành riêng cho bệnh nhi nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 có chỉ định phẫu thuật.

  Khoa COVID-19 đầu tiên ở TP.HCM được thành lập tại BV Nhi đồng 1.

Khoa COVID-19 đầu tiên ở TP.HCM được thành lập tại BV Nhi đồng 1.

Trưởng khoa là PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, hiện là trưởng bộ môn nhi Đại học Y dược TP.HCM, phó khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1.

Dự kiến, khoa COVID-19 của Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận tất cả trường hợp mắc hoặc nghi mắc COVID-19 cần nhập viện điều trị theo mô hình 3 tầng.

Bác sĩ Nguyên cho biết, cho đến nay, trẻ em nhiễm SARS CoV-2 phần lớn là không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, COVID-19 nặng vẫn có thể gặp ở trẻ ngay cả không yếu tố nguy cơ. Do đó, điều quan trọng là theo dõi sát sức khỏe của bé tại nhà.

Các dấu hiệu cần lưu ý là khi trẻ khó thở, than mệt, gắng sức kém, vã mồ hôi nhiều, nói từng từ, từng câu ngắn, thở nhanh, gắng sức, nhịp tim nhanh hay SpO2 < 93%. Lúc này, người lớn phải nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện hoặc thậm chí liên hệ ngay với Tổ phản ứng nhanh tại địa phương. Những trường hợp này không thể điều trị tại nhà mà cần có sự can thiệp cấp cứu của nhân viên y tế.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO