Viêm gan B là bệnh gì?
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus viêm gan B (HBV). Bệnh ảnh hưởng lớn đến hoạt động của gan, có thể gây nhiễm trùng gan thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Viêm gan B mạn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy gan, xơ gan, ung thư gan.
Viêm gan B lây qua đường nào?
Viêm gan B lây qua 5 đường phổ biến sau:
Lây viêm gan B từ mẹ sang con
Đường lây truyền từ mẹ sang con là đường lây nguy cơ cao nhất. Có thể lên đến 90% trẻ sơ sinh bị viêm gan B mạn tính nếu mẹ có nồng độ viêm gan B cao và không áp dụng biện pháp phòng ngừa lây cho con.
Có 3 giai đoạn mà mẹ có thể lây truyền virus viêm gan B cho con nhưng không phải giai đoạn nào cũng có tỷ lệ nhiễm như nhau.
Giai đoạn mang thai
Vì tính chất của virus viêm gan B là lây bằng đường máu. Trong giai đoạn này, do sự tiếp xúc của mẹ và thai nhi bị ngăn bởi nhau thai nên tỷ lệ thai nhi bị nhiễm bệnh từ mẹ là rất thấp, chỉ khoảng 2%.
Tuy nhiên, mẹ bị viêm gan B cần lưu ý hạn chế làm tổn thương hàng rào nhau thai để giảm thiểu nguy cơ máu của mẹ tiếp xúc với thai nhi, nhất là từ tháng thứ 4 của thai kỳ trở đi.
Trong lúc chuyển dạ và sinh con
Đây là thời điểm mà tỷ lệ lây truyền cao nhất, lên đến 90%. Khi chuyển dạ, tử cung bắt đầu co thắt kéo theo sự co thắt của mạch máu xung quanh nhau thai. Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm virus HBV khi tiếp xúc với máu của mẹ hoặc thông qua dịch âm đạo khi trẻ chui qua âm đạo của mẹ.
Giai đoạn cho con bú
Viêm gan B ít lây qua đường cho con bú, mặc dù DNA của virus HBV có nằm trong sữa non của mẹ bị nhiễm bệnh nhưng với nồng độ thấp. Điều này dẫn đến việc viêm gan B lây theo đường từ mẹ sang trong giai đoạn này hầu như là ít gặp nếu bé được tiêm ngừa đầy đủ vắc-xin viêm gan B và HBIG sau khi sinh.
Biện pháp phòng ngừa lây truyền HBV từ mẹ sang con bao gồm: nếu thai phụ có nồng độ virus cao, họ được chỉ định uống thuốc kháng virus trong 3 tháng cuối thai kỳ để làm giảm nồng độ virus xuống thấp, ngoài ra trẻ cần được tiêm ngừa đầy đủ vaccine viêm gan B và HBIG (chứa kháng thể chống virus viêm gan B) trong vòng 12 giờ sau khi sinh. Các biện pháp này rất hiệu quả và giúp làm giảm tỷ lệ lây bệnh cho con rất nhiều.
Quan hệ tình dục
Con đường lây nhiễm của viêm gan B thông qua quan hệ tình dục được xem là một trong những đường lây nhiễm có tỷ lệ mắc bệnh cao.
Việc quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn không chỉ khiến bạn phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh tình dục mà còn tăng khả năng nhiễm các bệnh truyền nhiễm khác. Viêm gan B là một trong những loại bệnh có thể lây qua đường quan hệ bằng việc tiếp xúc với tinh dịch và dịch âm đạo.
Vì thế, bạn cần thiết phải sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ để làm giảm khả năng mắc bệnh viêm gan B cũng như những loại bệnh khác.
Đường máu (truyền máu, một số thủ thuật như phẫu thuật, nha khoa, xăm,..)
Viêm gan B được biết là loại bệnh lây truyền qua đường máu bởi vì trong máu có chứa nồng độ virus HBV rất cao. Bất cứ trường hợp nào bạn tiếp xúc với máu hoặc được truyền máu từ người dương tính với viêm gan B đều có thể bị nhiễm virus HBV.
Vì vậy, bạn nên cẩn trọng về tính an toàn với những hoạt động có khả năng cao tiếp xúc với máu người khác như: phẫu thuật, đi khám nha khoa, xăm,… Bạn cần phải đảm bảo rằng những dụng cụ này đã thông qua quá trình khử, diệt khuẩn đúng tiêu chuẩn để giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm viêm gan B qua đường máu.
Dùng chung kim tiêm
Ngoài những đường lây nhiễm nêu trên, viêm gan B lây qua đường nào? Dùng chung kim tiêm hoặc là tái sử dụng lại kim tiêm cũng là một con đường nguy hiểm để truyền virus viêm gan B cho người khác.
Nhiễm bệnh khi dùng chung kim tiêm là một dạng của nhiễm bệnh qua đường máu. Vì kim tiêm đã qua sử dụng (có thể là nhiều ngày trước đó), kể cả là kim tiêm sử dụng bên ngoài hay trong môi trường y tế, đều chứa các virus, vi khuẩn. Đây là tác nhân gây ra những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có viêm gan B.
Dùng chung đồ dùng cá nhân
Sử dụng chung đồ dùng cá nhân có chứa máu, dịch tiết của người bị viêm gan B khiến bạn có thể bị lây nhiễm virus từ người đó.
Một số vật dụng cá nhân bạn tuyệt đối không sử dụng chung: Bàn chải đánh răng, Dụng cụ cắt móng, Dao cạo râu...
Như vậy, dùng chung bát đũa hay chấm chung bát nước chấm không làm lây nhiễm viêm gan B. Ngoại trừ trường hợp người bệnh vô tình bị thương ở miệng trong khi ăn cùng người khác sẽ gây ra nguy cơ lây bệnh cho những người khác.
Xem thêm: Người bị viêm gan B cần làm gì để phòng ngừa COVID-19?
V.LinhBạn đang xem bài viết Viêm gan B có lây khi dùng chung bát đũa hay chấm chung bát nước chấm không? tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].