Bệnh bạch hầu là gì và có nguy hiểm không?
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi.
Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.
Bệnh do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra và dễ dàng lây lan từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp. Bệnh cũng có thể lây do tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
Với người bệnh không biểu hiện triệu chứng của bệnh thì họ vẫn có khả năng lây truyền vi khuẩn cho người khác sau khoảng 6 tuần, kể từ khi bắt đầu nhiễm khuẩn.
Vi khuẩn bạch hầu thường ảnh hưởng nhiều nhất đến mũi và họng. Khi bị nhiễm khuẩn, vi khuẩn sẽ giải phóng ra độc tố, độc tố này sẽ xâm nhập vào dòng máu, gây ra các lớp màng dày, màu xám ở mũi, họng, lưỡi, khí quản…
Và trong một số trường hợp, những độc tố do vi khuẩn tiết ra có thể gây tổn thương đến các cơ quan khác trong cơ thể, bao gồm tim, não và thận.
Vậy nên, bệnh bạch hầu có thể dẫn đến những biến chứng đe dọa tính mạng như viêm cơ tim, liệt hoặc suy thận…
Những dấu hiệu cảnh báo bệnh bạch hầu
Những triệu chứng của bệnh bạch hầu thường sẽ xuất hiện trong vòng 2 - 5 ngày sau khi bị nhiễm vi khuẩn. Một số người sẽ không biểu hiện bất cứ triệu chứng nào trong khi một số người khác sẽ xuất hiện các triệu chứng nhẹ và thường bị nhầm là cảm lạnh thông thường.
Những dấu hiệu dễ nhận thấy khi mắc bệnh bạch hầu gồm:
- Ở vùng họng, lưỡi, amidan xuất hiện các lớp mảng màu xám dày
- Sốt, ớn lạnh
- Sưng các tuyến ở cổ
- Ho, viêm họng, sưng họng
- Da xanh tái
- Chảy nước dãi
- Khó thở hoặc khó nuốt
- Thay đổi thị lực
- Da tái và lạnh, vã mồ hôi và tim đập nhanh
Các biện pháp phòng tránh bệnh bạch hầu
- Tiêm vắc-xin bạch hầu đầy đủ đang là biện pháp an toàn và hiệu quả để phòng ngừa bệnh.
- Vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
- Tại nơi có ổ dịch bạch hầu cũ cần tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp viêm họng giả mạc. Nếu có điều kiện thì ngoáy họng bệnh nhân cũ và những người lân cận để xét nghiệm tìm người lành mang vi khuẩn bạch hầu.
- Những người tiếp xúc với người bệnh mà đã được gây miễn dịch trước đây thì nên tiêm nhắc lại một liều giải độc tố bạch hầu.
- Tại nơi phát hiện người mắc bệnh cần xử lý môi trường: Phải sát trùng tẩy uế đồng thời và sát trùng tẩy uế lần cuối tất cả các đồ vật có liên quan tới bệnh nhân. Tẩy uế và diệt khuẩn phòng bệnh nhân hàng ngày bằng cresyl, chloramin B; bát đĩa, đũa, chăn màn, quần áo… phải được luộc sôi; sách, vở, đồ chơi v.v… phải được phơi nắng.
An AnBạn đang xem bài viết Bệnh bạch hầu có nguy hiểm không và dấu hiệu nào để nhận biết sớm bệnh? tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].