Cách ly 355 người liên quan tới ổ dịch thứ 2
Chiều 22/6, thông tin với PV Gia Đình Mới, ông Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông cho biết, ngành y tế tỉnh đang nỗ lực để kiểm soát ổ dịch bạch hầu tại khu vực xã Quảng Hòa, huyện Đắk G'Long.
"Trên địa bàn xã Quảng Hòa có cháu S.T.H đã tử vong vì bệnh bạch hầu ác tính biến chứng tim. Ngay sau khi có thông tin về sự việc, chúng tôi đã khoanh vùng, cách ly toàn bộ cụm dân cư số 2 với 355 người dân.
Tất cả mọi giao dịch được thực hiện tại chốt cách ly, không được ai ra vào cụm số 2 để ngăn ngừa sự phát tán bệnh ra ngoài. Ngành Y tế cũng đang điều trị dự phòng ngày thứ 2 cho người dân cụm dân cư số 2, tiến hành phun hóa chất khử trùng toàn bộ cụm dân cư và các địa điểm như trường học, trạm y tế xã.
Đối với trường hợp đã tử vong, ngành Y tế vận động người dân hạn chế tối đa tiếp xúc, những người đến thăm viếng đều được cho uống thuốc kháng sinh dự phòng. Bệnh nhân tử vong đã được chôn cất trong vòng 3 giờ sau khi đưa về nhà" - ông Hùng cho hay.
Trên địa bàn xã Quảng Hòa cũng đang có một cháu bé tên là M.V.T (là hàng xóm của cháu S.T.H) cũng bị nhiễm virus bạch hầu, đã được đưa tới Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk) để chữa trị.
Ông Hùng cũng thông tin, đây là ổ dịch bạch hầu thứ 2 trên toàn tỉnh trong năm nay. Trước đó, ngày 14/6, tại Trung tâm bảo trợ xã hội Nhà May mắn (Krông Nô) cũng đã ghi nhận 4 cháu nhỏ dương tính với bạch hầu. Sau thời gian điều trị, hiện cả 4 trường hợp đã qua 3 lần xét nghiệm và đều âm tính với bạch hầu, sức khỏe đang hồi phục tốt.
435 người liên quan, có nguy cơ mắc bệnh tại ổ bệnh này đã được uống thuốc phòng và toàn bộ khu vực liên quan được khử khuẩn. "Hiện ổ dịch thứ nhất đã được dập tắt, ổ dịch thứ 2 đang trong tầm kiểm soát. Ngành Y tế tỉnh Đắk Nông tiếp tục thực hiện công tác phòng bệnh trên địa bàn" - ông Hùng nói.
Triệu chứng của bệnh bạch hầu là gì?
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên, là bệnh lý nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao nhưng là bệnh có thuốc điều trị.
-
Triệu chứng của bệnh
Bạch hầu có các triệu chứng đau họng, đau tăng khi nuốt, thấy họng viêm đỏ, phù nề niêm mạc, amidan sưng, trên mặt có giả mạc màu trắng, hoặc màu xám bám chặt trên bề mặt amidan.
Biểu hiện bên ngoài là sốt, da xanh, mạch nhanh, trẻ nhỏ bỏ bú, quấy khóc, xét nghiệm lượng bạch cầu ở máu ngoại vi tăng nhẹ. Tai mũi họng có thể chảy dịch trong hoặc máu, mủ, trong lỗ mũi cũng có giả mạc, hạch sưng nhẹ. Bệnh nặng sưng đau hạch cổ và số cao từ 39 - 40 độ C.
Đường lây của bệnh: Bệnh lây qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng của bệnh nhân, người lành mang trùng khi hắt hơi…
Tất cả những ai chưa tiêm vắc-xin phòng chống bệnh thì đều có nguy cơ lây bệnh.
-
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo:
Để tránh mắc virus Bạch hầu, người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc-xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu đúng lịch.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Với người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc-xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
V.LinhBạn đang xem bài viết Phong tỏa một cụm dân cư với 355 người sau khi bé gái qua đời do virus bạch hầu tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].