Các bác sĩ BV Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí mới tiến hành phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn nghẹt cho một bệnh nhi 41 ngày tuổi (ở Hải Phòng).
Theo gia đình cho biết trước lúc nhập viện có thấy vùng bẹn trái của trẻ xuất hiện 1 khối phồng, khối to khi trẻ vận động và khóc.
Tại bệnh viện, trẻ được tiến hành thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết và các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị thoát vị bẹn trái nghẹt.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã thống nhất và chỉ định phẫu thuật cấp cứu điều trị nghẹt bẹn trái cho bệnh nhi.
Theo bác sĩ khoa Ngoại tiêu hóa tổng hợp, tỉ lệ trẻ mắc thoát vị bẹn là 1 - 2% trẻ sơ sinh và thường gặp ở trẻ đẻ non.
Việc gây mê, phẫu thuật và điều trị hậu phẫu cho trẻ như trường hợp của bệnh nhi nói trên gặp rất nhiều khó khăn. Bởi ở trẻ nhỏ cấu trúc trong ống bẹn rất nhỏ nên trong quá trình phẫu thuật cần cẩn trọng, tỉ mỉ để tránh gây tổn thương các cấu trúc giải phẫu này đặc biệt là ống dẫn tinh. Thời gian phẫu thuật cần tiến hành nhanh chóng để tránh các biến chứng về hô hấp cho trẻ.
Hiện tại, sau phẫu thuật trẻ tỉnh táo, bú mẹ tốt, vết mổ khô, bụng không chướng. Trẻ đang được tiếp tục được theo dõi sức khỏe tại Bệnh viện.
Bệnh thoát vị bẹn ở trẻ nguy hiểm thế nào?
Thoát vị bẹn ở trẻ em là tình trạng khối phồng phình lên một cách bất thường, có thể nhìn thấy ở khu vực bẹn, một hoặc cả 2 bên.
Thoát vị bẹn ở trẻ là bệnh lý bẩm sinh, không tự khỏi, nếu không điều trị sẽ xảy ra các biến chứng nguy hiểm như:
- Nghẹt, hoại tử ruột: Đó là tình trạng mắc kẹt ruột trong túi thoát vị, lúc này khối thoát vị không thể đẩy lên được và rất đau. Khoảng 20% bệnh nhân có thể bị nghẹt ruột ở bất kỳ tuổi nào, nhưng thường bị ở trẻ nhỏ, khoảng 60% bị thoát vị nghẹt hay xảy ra trong 3 tháng đầu sau sinh.
- Rối loạn tiêu hoá, gây chậm lớn ở trẻ nhỏ.
- Bệnh còn là yếu tố thuận lợi gây xoắn tinh hoàn, teo tinh hoàn, nghẹt bó mạch thừng tinh gây hoại tử tinh hoàn ở trẻ trai.
Dấu hiệu trẻ bị thoát vị bẹn
Thoát vị bẹn ở trẻ em có biểu hiện bằng một khối phồng căng cứng vùng bẹn bìu ở trẻ trai và vùng gần âm môi ở trẻ gái.
Khối phồng này thường xuất hiện to hơn khi trẻ khóc, rặn đại tiện hay sau vận động mạnh như chạy nhảy, thể dục. Khi trẻ nghỉ ngơi hay nằm thì khối thoát vị có thể tự chui vào ổ bụng trở lại, lúc đó nhìn trẻ lại như bình thường.
Đa số các trẻ nhập viện với tình trạng bứt rứt, quấy khóc, kêu đau (với trẻ lớn) và bỏ bú, nôn ói (trẻ nhỏ). Thường ghi nhận có khối phồng lên xẹp xuống ở vùng bẹn trước đó ở trẻ, nay khối phồng căng và không xẹp lại như mọi khi.
Một bên bẹn hoặc bìu trẻ to lên so với bên kia, hoặc cả 2 bên đều phình to bất thường, tình trạng này có thể hình thành trong một khoảng thời gian vài tuần hoặc vài tháng.
Thoát vị bẹn ở trẻ thường không đau, nhưng cũng có thể gây đau đớn bất ngờ, khi trẻ buồn nôn và nôn mửa, là dấu hiệu cho thấy một phần của ruột có thể đã bị mắc kẹt trong thoát vị (thoát vị bẹn nghẹt). Khi phát hiện dấu hiệu của thoát vị bẹn nghẹt, cần khẩn trương đưa trẻ đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời, tránh nguy cơ hoại tử khối nghẹt.
Cho đến nay phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất để điều trị bệnh lý này. Thoát vị bẹn cần phải được phẫu thuật sớm, ngay từ thời điểm phát hiện ra bệnh, nhằm ngăn chặn biến chứng nghẹt có thể xảy ra, dẫn đến tổn thương các tạng bên trong bao thoát vị và các biến chứng nặng hơn.
An AnBạn đang xem bài viết Bé trai hơn 1 tháng tuổi bị thoát vị bẹn nghẹt, bệnh này nguy hiểm thế nào? tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].