Bác sĩ của khoa Tai mũi họng, BV ĐK tỉnh Tuyên Quang mới gắp thành công dị vật (long đen ốc vít) ở thực quản cho bệnh nhi Ma Minh T. 21 tháng tuổi, trú tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.
Người nhà của bé kể lại, vào bữa tối, bố mẹ cho bé T. ăn cơm, nhưng bé quấy khóc, không chịu ăn, ăn vào lại nôn ra…
Nghi ngờ bé đã nuốt phải vật lạ, nên gia đình đưa trẻ đến Trung tâm y tế huyện Chiêm Hóa khám bệnh và được chuyển tuyến cấp cứu đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang.
ThS.BS Nguyễn Bắc Hải, khoa Tai mũi họng, BV ĐK tỉnh Tuyên Quang cho biết, khi bệnh nhi nhập viện, các bác sĩ đã thăm khám ngay và làm cận lâm sàng cần thiết.
Phim chụp X-quang phát hiện dị vật cản quang bất thường nằm ngang thành thực quản mức C7-T1.
Nếu dị vật không được lấy ra khỏi thực quản thì trẻ không ăn uống được, có thể dẫn đến viêm tấy, áp xe thực quản, lan xuống áp xe trung thất…
Ngay sau đó, bệnh nhi đã được thực hiện nội soi gây mê ống cứng gắp ra dị vật là 1 chiếc long đen bắt vít gỉ màu xám đen.
Sau 5 ngày điều trị kháng sinh phòng nhiễm trùng, sức khỏe bệnh nhi T. đã ổn định và đã được xuất viện.
Qua trường hợp này các bác sĩ cũng khuyến cáo, các gia đình nên trông chừng trẻ nhỏ cẩn thận, tránh để trẻ đưa các vật lạ, nhỏ vào mũi, miệng…
Khi phát hiện sớm trẻ ăn nhầm hoặc hít phải các vật lạ, nếu được xử trí kịp thời, ít gặp nguy hiểm nhưng nếu phát hiện muộn xử trí rất phức tạp, có thể nguy hiểm tới tính mạng bệnh nhi.
Những sai lầm thường gặp phải trong sơ cứu hóc dị vật
Nhiều bậc phụ huynh mắc sai lầm khi sơ cứu cho trẻ bị hóc dị vật, khiến tình trạng của bé không giải quyết được mà còn nặng hơn. Những cách sơ cứu sai lầm thường gặp như:
- Cho tay hoặc các vật khác vào miệng trẻ để móc dị vật ra: Việc làm này có thể gây nguy hiểm cho trẻ, bởi dị vật có thể xuống sâu hơn, nếu dùng vật khác móc dị vật ra có thể làm dị vật xuống sâu hơn, hoặc gây xước niêm mạc họng.
- Vuốt xuôi ngực: Mỗi khi trẻ sặc hay nghẹn, nhiều người thường vuốt ngực cho trẻ, tuy nhiên đây là cách làm sai vì có thể làm dị vật chui sâu hơn vào đường thở.
- Sử dụng một số mẹo dân gian như: cho trẻ nuốt cơm, hoa quả,... điều này có thể khiến trình trạng hóc dị vật trở nên nghiêm trọng hơn.
Nên làm gì khi trẻ bị hóc dị vật?
- Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị hóc dị vật, cần hết sức bình tĩnh, không dùng tay hay vật bất kỳ để móc dị vật ra khỏi miệng trẻ vì chưa chắc lấy ra được mà có khi đẩy dị vật vào sâu hơn. Hơn nữa, việc móc họng có thể dẫn đến nôn ói, trẻ hít sặc lại chất ói lại càng nguy hiểm hơn.
- Nếu trẻ vẫn tỉnh táo, không khó thở, vẫn khóc được hoặc nói được thì khuyến khích trẻ ho và nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ kiểm tra, nếu đúng bị hóc dị vật đường thở thì sẽ được lấy ra an toàn.
- Nếu trẻ có biểu hiện tím tái, khó thở nặng, ngưng thở, không khóc được, không nói được thì sau khi gọi xe cấp cứu, cần phải tiến hành sơ cứu kịp thời trong thời gian đợi xe tới.
Đối với trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi:
- Đặt trẻ ở tư thế đầu thấp trên một cánh tay hoặc đùi của bạn.
- Lấy ngón tay mở miệng của em bé mở ra và lấy gót bàn tay vỗ vào vùng giữa lưng của trẻ 5 lần vào chỗ giữa hai bả vai. Kiểm tra giữa mỗi lần vỗ xem trẻ đã hết tắc nghẹn chưa.
- Nếu tình trạng tắc nghẽn vẫn còn, lật ngửa trẻ lại, ấn ngực 5 cái bằng hai ngón tay ở 1⁄2 dưới xương ức. Mỗi lần ấn ngực, kiểm tra xem đã khai thông được chỗ bị nghẹn chưa.
- Nếu trẻ vẫn bị nghẹn, hãy đập lưng bé 5 lần xen kẽ với ấn dứt khoát lên ngực bé 5 lần cho đến khi dịch vụ cấp cứu đến nơi.
Đối với trẻ lớn hơn:
- Bảo đứa trẻ cúi người xuống và lấy ức bàn tay của bạn vỗ mạnh và dứt khoát ở chỗ giữa hai bả vai của trẻ. Trước khi vỗ tiếp, kiểm tra xem đã khai thông được chỗ bị nghẹn chưa.
- Nếu vẫn chưa hết nghẹn, sau khi vỗ 5 lần hãy sử dụng phương pháp ấn ngực.
- Đặt một bàn tay ở giữa lưng và đặt tay kia ở giữa ngực đứa trẻ. Lấy ức bàn tay đang đặt trên ngực, ấn ngực xuống 5 lần - tương tự như cách ấn ngực hồi sinh tim phổi (CPR) nhưng chậm hơn và dứt khoát hơn. Sau mỗi lần ấn ngực, kiểm tra xem đã khai thông được chỗ bị nghẹn chưa.
- Nếu trẻ vẫn còn bị nghẹn, hãy gọi cấp cứu rồi thực hiện thao tác vỗ lưng 5 lần và ấn ngực 5 lần thay đổi nhau cho đến khi bác sĩ cấp cứu tới nơi.
Khi đã làm xong các bước sơ cứu, điều quan trọng là phải kiểm tra xem sự thông đường thở bằng cách:
- Xem cử động của lồng ngực
- Lắng nghe tiếng thở và cảm nhận hơi thở.
Sau các bước sơ cứu, nếu dị vật trẻ bị hóc được lấy ra thì vẫn cần phải đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra kỹ lưỡng, đề phòng trường hợp có thể còn sót dị vật.
An AnBạn đang xem bài viết Bé 21 tháng tuổi nuốt long đen ốc vít vào thực quản tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].