Có dị vật nằm trong mắt không phải là điều dễ chịu một chút nào, bất kể kích thước hoặc nguồn gốc của chúng. Nếu có bụi hoặc vật tương tự trong mắt, bạn có thể loại bỏ chúng một cách tự nhiên bằng cách nháy mắt liên tục.
Nếu cách này không hiệu quả, hãy rửa mắt hoặc sử dụng tăm bông sạch để loại bỏ dị vật.
Tuyệt đối không bao giờ được dụi mắt để loại bỏ vật nằm trong mắt. Nếu vật nằm trong mắt gây kích ứng nghiêm trọng, đừng tự cố gắng loại bỏ chúng do việc làm này có thể khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
Cách 1: Tự loại bỏ dị vật khỏi mắt
1. Nháy mắt liên tục: Khi bạn bị bụi, tóc, hoặc những dị vật nhỏ khác dính vào mắt, phản ứng tự nhiên của cơ thể là nháy mắt. Nháy mắt nhanh liên tục có thể giúp di chuyển các mảnh vụn, cho phép nước mắt đẩy chúng ra. Bạn càng chớp khiến nước mắt chảy ra, khả năng loại bỏ được dị vật càng cao.
2. Kéo mí mắt trên lên trên mí mắt dưới: Nếu bạn đang cố gắng loại bỏ dị vật kẹt phía dưới mí mắt mình, hãy nhắm bên mắt bị ảnh hưởng và nhẹ nhàng kéo phần da mí trên. Kéo phần da này xuống phía mí dưới một chút và đảo mắt xung quanh. Nếu may mắn, việc làm này sẽ giúp thả lỏng và loại bỏ dị vật khỏi mắt bạn.
3. Tránh dụi mắt: Dụi khi có vật bay vào mắt là bản năng của chúng ta. Song, điều này thực ra khá nguy hiểm. Nếu dụi mắt, vật mắc kẹt có thể bị đẩy xuống dưới mí mắt bạn, đâm thủng mắt, hoặc làm xước giác mạc.
Nếu điều này xảy ra, bạn có nguy cơ bị tổn thương mắt vĩnh viễn, thậm chí còn gây ra mù lòa, cùng với rất nhiều đau đớn. Do đó, tuyệt đối không được sử dụng áp lực hoặc dụi mắt khi có dị vật bay vào.
Cách 2: Sử dụng sự trợ giúp để loại bỏ dị vật
1. Rửa trôi dị vật với dung dịch rửa mắt: Các dung dịch rửa mắt có sẵn trên thị trường có thể sẽ trở nên cực kì hữu ích trong việc loại bỏ bụi bẩn hoặc các vật khác khỏi mắt. Các dung dịch rửa mắt khác nhau có quy trình sử dụng khác nhau.
Một số được sử dụng gián tiếp bằng cách nhỏ dung dịch đầy vào một cốc rửa mắt nhỏ, sau đó áp cốc này lên bên mắt bị ảnh hưởng và nghiêng đầu về phía sau. Các dung dịch còn lại được sử dụng trực tiếp (nhỏ trực tiếp vào mắt).
2. Rửa mắt với nước: Nếu có, bạn có thể sử dụng cốc chuyên rửa mắt kết hợp nước sạch, mát để loại bỏ dị vật. Nếu không, bạn cũng có thể dùng một chậu nước sạch và nhẹ nhàng té nước vào mắt để rửa trôi bụi bẩn. Bạn cũng có thể đặt mắt dưới vòi nước chảy nhẹ để rửa sạch.
3. Đặt bông tăm hoặc góc của một miếng vải sạch phía sau mí mắt trên: Nhẹ nhàng nhấc phầm mí mắt trên lên. Nhẹ nhàng trượt tăm bông hoặc góc của một miếng vải sạch ra phía sau mí mắt và đảo mắt về phía sau. Nhấc tăm bông hoặc vải ra để kiểm tra nếu dị vật vẫn nằm trong mắt.
Nếu không chắc chắn, dị vật vẫn có thể bị kẹt lại ở phía trong nếu mắt bạn vẫn bị đỏ và kích ứng ngay cả sau khi đã thực hiện cách trên. Bạn cũng có thể kiểm tra trên đầu bông tăm hoặc vải xem có dị vật không.
4. Sử dụng bông tăm hoặc vải sạch để lấy dị vật khỏi mắt: Nếu sau khi rửa mắt bằng dung dịch và/hoặc nước, bạn vẫn cảm thấy có vật trong mắt, hãy sử dụng tăm bông hoặc miếng vải sạch để lấy vật ra. Luôn luôn lau theo chuyển động nhẹ nhàng lên hoặc xuống, và không bao giờ được lau ngang qua cả cầu mắt.
- Để bảo vệ giác mạc, hãy nhìn theo hướng đối diện với nơi dị vật nằm trên mắt. Ví dụ, nếu có vật nằm ở phía bên phải của mắt, hãy nhìn về phía bên trái.
- Kiểm tra tăm bông hoặc vải sau mỗi lần thử loại bỏ dị vật.
5. Nhờ người giúp đỡ: Nếu bạn gặp khó khăn khi lấy dị vật khỏi mắt, hãy nhờ người giúp đỡ. Giữ mí mắt của bạn mở để người giúp bạn có thể nhìn thấy được vật đang nằm trong mắt.
- Nếu cảm thấy thoải mái, bạn có thể nhờ người đó sử dụng bông tăm để nhẹ nhàng lấy dị vật ra khỏi mắt mình. Nếu không, bạn cũng có thể nhờ họ giúp nhỏ dung dịch rửa mắt hoặc dùng cốc rửa mắt để rửa trôi vật lạ.
Cách 3: Loại bỏ dị vật có kích thước lớn và gây nguy hiểm
1. Nhận biết biểu hiện cho thấy bạn cần được chăm sóc y tế: Nếu mắt bị kích ứng bởi bất cứ vật gì lớn hơn một đốm nhỏ, bạn có thể sẽ cần đến bác sĩ để loại bỏ nó. Nếu vật này rất lớn, hoặc làm thủng mắt đến mức chảy máu và đau dữ dội, đây là việc chắc chắn phải làm.
Đau là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy vật trong mắt bạn không phải chỉ là vật gây kích ứng nhẹ. Tuy nhiên, đôi khi vật này vẫn có thể gây tổn thương nghiêm trọng kể cả khi không có cảm giác đau. Các biểu hiện khác cần được theo dõi bao gồm sự thay đổi rõ rệt của màu mắt, chảy máu, thị lực bất thường, mờ mắt hoặc chảy nước mắt.
2. Tìm kiếm sự chăm sóc y tế: Khi bạn đã xác định được vật trong mắt là một vấn đề nghiêm trọng, hãy liên hệ ngay với bác sĩ. Những dị vật lớn hơn như mảnh vỡ thủy tinh hoặc móng tay, cần phải được loại bỏ bởi bác sĩ hoặc chuyên gia y tế. Nếu vật này mắc kẹt bên trong mắt, tiểu phẫu có thể sẽ cần thiết.
Nếu không, bác sĩ có thể gây tê mắt và lấy vật thể ra, sau đó sử dụng dụng cụ y tế bịt mắt lại để đảm bảo vệ sinh khi lành. Thuốc kháng sinh cũng có thể được sử dụng để tránh nhiễm trùng.
3. Không được tự ý lấy ra khi dị vật đã găm vào mắt: Nếu một mảnh vỡ của thủy tinh hoặc vật nào khác đâm thủng mắt của bạn, tuyệt đối không được tự ý loại bỏ nó. Việc làm này có khả năng cao khiến cho tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn . Thay vào đó, hãy đến gặp bác sĩ để nhận được sự trợ giúp y tế thích hợp và an toàn hơn.
- Cẩn thận che mắt bằng băng y tế cho đến khi bạn gặp bác sĩ.
Xuân HồngBạn đang xem bài viết Kỹ năng sơ cứu: Cách loại bỏ dị vật khỏi mắt chính xác và an toàn nhất tại chuyên mục Sơ cấp cứu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].