Quảng Nam chú trọng truy xuất nguồn gốc để bảo vệ thương hiệu dược liệu

V.Linh
Là tỉnh có nguồn dược liệu phong phú, đăc biệt là nơi trồng sâm Ngọc Linh quý hiếm, để phát triển và bảo vệ thương hiệu của các dược liệu, tỉnh Quảng Nam chú trọng xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Nguồn dược liệu phong phú mang giá trị kinh tế lớn

Đánh giá của Viện Dược liệu (Bộ Y tế), tại Quảng Nam có hơn 832 loài, 593 chi, 190 họ thực vật làm thuốc, trong đó có 36 loài cây thuốc hiện nằm trong “Sách đỏ Việt Nam”. Những loại dược liệu quý đã được tìm thấy như: sâm Ngọc Linh, ngũ vị tử, ba kích, đảng sâm, giảo cổ lam, sa nhân, hoàng đắng, cẩu tích, lan kim tuyến, đại hồi, màng tang...

Mới đây, Viện Dược liệu còn phát hiện thêm 4 loài cây thuốc chưa có tên trong danh mục cây thuốc Việt Nam là dù dẻ đỏ, khế đất, gờ rồng và ba chạc lá đỏ. Tại Quảng Nam, tổng diện tích cây dược liệu qua thống kê khoảng 2.471ha, chủ yếu trồng ở các huyện miền núi.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, Quảng Nam hiện là một trong 8 vùng dược liệu lớn nhất nước. Giá trị nhất vẫn là “Quốc bảo” sâm Ngọc Linh, với diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển hơn 15.500ha (từ độ cao 2.000m trở lên là 2.238ha, ở độ cao từ 1.200 - 2.000m là 13.329ha).

Tại một số địa phương như Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, cây đảng sâm, sa nhân tím và ba kích tím bước đầu trở thành cây dược liệu có giá trị kinh tế cao và đang được mở rộng vùng trồng.

Quảng Nam có nguồn dược liệu phong phú mang giá trị kinh tế lớn.

Quảng Nam có nguồn dược liệu phong phú mang giá trị kinh tế lớn.

Hiện tỉnh có 12 cơ sở sản xuất giống dược liệu đang hoạt động cung ứng hơn 2 triệu cây giống/năm, gồm các loại cây: sa nhân, ba kích, đảng sâm, quế, giảo cổ lam, đương quy... Những cơ sở sản xuất giống này đặt kỳ vọng tiếp tục mở rộng diện tích dược liệu dưới tán rừng, mô hình kinh tế mang tính bền vững dựa trên lợi thế rất lớn về tài nguyên rừng tại các huyện miền núi.

UBND tỉnh đặt mục tiêu xây dựng trung tâm công nghiệp dược phát triển ở trình độ cao, đạt cấp độ 4 theo thang phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có giá trị thị trường trong tốp 3 ASEAN, góp phần bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá hợp lý. Cùng với đó, phải phát triển dược liệu và các sản phẩm từ nguồn dược liệu thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.

Dự kiến, đến năm 2030 Quảng Nam quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu đạt hơn 64 nghìn ha và ban hành danh mục 30 loại cây dược liệu ưu tiên phát triển. Trên cơ sở đó, tỉnh định hướng sẽ nâng tầm ngành công nghiệp dược liệu bằng việc hình thành, hoàn thiện tổ chức các sản phẩm theo chuỗi cho 9 loài dược liệu.

Chú trọng xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc dược liệu

Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua, ngành y tế tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc định danh và truy xuất nguồn gốc dược liệu.

Điển hình nhất là với sâm Ngọc Linh. Quảng Nam đã triển khai nhiều nội dung để thực hiện việc xác định và truy xuất nguồn gốc, điển hình là việc ban hành Quyết định số 3957/QĐ-UBND ngày 9/11/2017 của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của tỉnh Quảng Nam và Quyết định số 578/QĐ-UBND ngày 05/3/2019 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của tỉnh Quảng Nam.

Quảng Nam chú trọng xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc dược liệu.

Quảng Nam chú trọng xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc dược liệu.

Quảng Nam tiến hành xây dựng và triển khai việc áp dụng công nghệ IoT và BlockChain để số hóa toàn bộ dữ liệu quan trắc, giám sát chuỗi chất lượng hàng hóa và truy xuất nguồn gốc giám sát (từ người trồng đến tuyến đường và chất lượng vận chuyển đến tay người dùng), cấp chứng chỉ bảo chứng điện tử, giúp sản phẩm sâm Ngọc Linh đạt được giá trị thương phẩm cao nhất và lòng tin đối với thị trường dược liệu Quốc tế.

Cùng với đó, ban hành quy chế về kiểm soát tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm sâm củ và các sản phẩm được chế biến từ sâm; xây dựng vườn giống gốc nhằm bảo tồn, lưu giữ nguồn gen. Đồng thời đầu tư máy móc phục vụ công tác kiểm định chất lượng sâm; vận động nhân dân tham gia hợp tác với doanh nghiệp để liên kết tập trung đất đai, hình thành các vùng sản xuất lớn theo chuỗi giá trị.

Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế cùng các sở, ngành địa phương xây dựng chiến lược phát triển, định danh và truy xuất nguồn gốc của cây sâm Ngọc Linh đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, quy hoạch vùng trồng… Trên cơ sở đó, đã có 7 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn được Sở KH&CN cấp Giấy chứng nhận trao quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ, với số lượng 65.205 cây.

Bên cạnh đó, địa phương đã đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu tập thể “Sâm Ngọc Linh - Quảng Nam & hình” cho các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh đã được bảo hộ độc quyền trên lãnh thổ Việt Nam (theo Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể “Sâm Ngọc Linh - Quảng Nam, hình” số 319665 cho các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh; giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể “Sâm Ngọc Linh - Quảng Nam, hình” số 319942 cho các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh - Quảng Nam, hình” số GCN 319943 cho các sản phẩm từ sâm; Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể “Sâm Ngọc Linh - Quảng Nam, hình” số 319944 cho các sản phẩm từ Sâm.

Trong thời gian qua, để ngăn chặn tình trạng “mạo danh” Sâm Ngọc Linh đưa vào sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 18/9/2017 về tăng cường công tác quản lý chất lượng Sâm Núi Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh; công văn số 5723/UBND-KTN ngày 30/8/2021 để quản lý tốt các dự án thuê môi trường rừng trồng Sâm Ngọc Linh và hoạt động trồng, khai thác gắn liền với hoạt động chế biến, kinh doanh Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh.

Địa phương cũng giao cho các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi, quản lý, thanh tra kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, chế biến, kinh doanh sản phẩm Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các hoạt động “mạo danh” Sâm Ngọc Linh.

Cũng theo ông Bửu, việc tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa người dân với hợp tác xã và doanh nghiệp sẽ giúp tạo ra các vùng sản xuất tập trung, áp dụng đồng bộ các quy trình trồng, thu hái dược liệu theo các tiêu chuẩn quy định; đảm bảo điều kiện cấp sử dụng chỉ dẫn địa lý, cơ sở trồng, mã số vùng trồng…Trên cơ sở đó, sẽ giúp định danh vùng trồng, thực hiện truy xuất nguồn gốc.

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO