Trong 2 ngày (5 - 6/12), Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền; Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế) phối hợp tổ chức Hội thảo, tập huấn chia sẻ kinh nghiệm về truyền thông hệ thống truy xuất nguồn gốc dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu gắn với sàn giao dịch thương mại điện tử.
Tham gia hội thảo, tập huấn có đại diện Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền; Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế); lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Lào Cai và 30 học viên đến từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC); Bệnh viện Đa khoa; Bệnh viện Y học cổ truyền 9/12 tỉnh tham gia dự án (Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Giang, Điện Biên, Hòa Bình, Yên Bái, Nghệ An và Lào Cai).
ThS. Hoàng Thị Khánh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) về đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý. Trong đó, tập trung truyền thông nâng cao xây dựng phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và truyền thông hệ thống truy xuất nguồn gốc dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu, gắn với sàn giao dịch thương mại điện tử.
TTƯT. BSCKII. Hoàng Quốc Hương cho biết, Chương trình MTQG 1719 là một trong những vấn đề mới, cần được truyền thông mạnh mẽ nhằm nâng cao nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của Dự án đối với sự phát triển kinh tể xã hội ở các tỉnh miền núi. Do đó, Dự án thành công hay không, truyền thông phải đi đầu, truyền thông huy động các cấp, các ngành cùng tham gia.
Trong 2 ngày, các học viên được tìm hiểu, trao đổi, thảo luận 8 chuyên đề về: Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến phát triển dược liệu Việt Nam; hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực dược liệu, y học cổ truyền trong hệ thống pháp luật hiện hành trong triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng dược liệu quý; thực trạng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu tại Bệnh viện Y học cổ truyền Lào Cai; tổng quan hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng; truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; truyền thông về kinh tế dược liệu; vai trò của công tác truyền thông trong ngành y tế Lào Cai, đặc biệt là truyền thông chăm sóc sức khỏe người dân bằng y dược cổ truyền và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về cách thức tiếp cận cộng đồng dưới góc nhìn báo chí.
Mai HòaBạn đang xem bài viết Chia sẻ kinh nghiệm truyền thông hệ thống truy xuất nguồn gốc dược liệu gắn với sàn thương mại điện tử tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].