Hình ảnh bà cụ 95 tuổi miệt mài may khẩu trang phát cho người dân chống dịch COVID-19 khiến nhiều người không kìm được nước mắt.
Những ngày gần đây, cộng đồng mạng đang lan truyền bức ảnh bà cụ 95 tuổi vẫn ngày đêm cần mẫn may từng chiếc khẩu trang để phát cho người dân phòng, chống dịch COVID-19 khiến nhiều người không khỏi xúc động.
Được biết, người trong bức ảnh là cụ bà Ngô Thị Quýt, 95 tuổi hiện đang sống tại phường 5, quận Gò Vấp, TP HCM.
Dù tuổi đã cao nhưng cụ bà vẫn dành hàng giờ ngồi bên chiếc máy khâu cũ kỹ để may từng chiếc khẩu trang, góp sức chung tay cùng cộng đồng chống dịch COVID-19.
Chị Trần Thụy Trúc Sơn (Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường 5, quận Gò Vấp) chia sẻ với báo Thanh Niên:
"Cụ bà ngồi may khẩu trang vải chính là mẹ Ngô Thị Quýt - Bà Mẹ Việt Nam anh hùng-- sống ở P.5 Q.Gò Vấp.
Năm nay mẹ đã 95 tuổi và cũng đã có hơn 30 năm chuyên may vỏ chăn từ thiện giúp đỡ những người nghèo khó. Cho đến nay mẹ vẫn không ngơi nghỉ mà lại còn tham gia may khẩu trang phòng dịch Covid-19 cùng các chị em trong chi hội phụ nữ khu phố 6 của phường".
Những hình ảnh ngồi may khẩu trang cần mẫn của cụ bà đã được chia sẻ rầm rộ trên các fanpage lớn nhỏ. Phần lớn cư dân mạng cảm phục trước tấm lòng của bà mẹ Việt Nam anh hùng.
- Đất nước nợ những người như cụ rất nhiều. Từ tuổi xuân, những người con đã hi sinh vì dân tộc, những khó khăn mà cụ trải qua. Mong cụ luôn mạnh khỏe.
- Cảm ơn tấm lòng nhân hậu của mẹ. Cầu mong mẹ luôn khỏe mạnh. Yêu kính mẹ thật nhiều!
- Quá tuyệt vời, thật cảm động với tấm lòng nhân hậu của mẹ. Chúc mẹ luôn mạnh khỏe, sống thật lâu mẹ nhé!
- Gửi đến ngoại sự biết ơn
- Chúng con thật xúc động và biết ơn mẹ thật nhiều.
- Cám ơn mẹ rất nhiều, mẹ là một tấm gương vĩ đại.
- .....
Những ngày qua, nhân dân cả nước cùng chung sức, đồng lòng để phòng, chống dịch COVID-19. Rất nhiều tổ chức, cá nhân, các nghệ sĩ đã chung tay ủng hộ tiền và hiện vật để tiếp sức cho đội ngũ y bác sĩ, các bệnh nhân đang trong thời gian điều trị, cách ly phòng dịch.
Xem thêm clip: WHO cảm ơn những người hy sinh thầm lặng trong dịch COVID-19