Viện Hải dương học đã xác định được 2 loại ốc có độc tố nguy hiểm khiến 3 người ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa bị ngộ độc, trong đó 1 người tử vong.
Ông Lê Tấn Phùng, Phó giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa thông tin, ngày 11/9, 3 ngư dân ở huyện Vạn Ninh gồm: Nguyễn Văn T. (23 tuổi, thị trấn Vạn Giã); Hồ Văn N. (21 tuổi, xã Vạn Thạnh) và Trần Quốc T. (22 tuổi xã Vạn Khánh) đi đánh bắt cá trên biển huyện Vạn Ninh có lặn bắt được một túi ốc biển không rõ loại.
Sau đó, 3 người này ghé vào đảo Khải Lương, xã Vạn Thạnh cho một gia đình người quen một nửa túi ốc trên. Số ốc còn lại, 3 ngư dân hấp ăn vào 16 giờ cùng ngày.
Sau khi ăn nửa tiếng đồng hồ, 3 người có xuất hiện các triệu chứng: Tê môi, tê tay, tê chân, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu. Đến 19 giờ, ngư dân Nguyễn Văn T. có triệu chứng trở nặng, được người dân đưa vào Đầm Môn, xã Vạn Thạnh và cấp cứu tại phòng khám Đa khoa khu vực Tu Bông, tại đây xác định bệnh nhân đã tử vong trước đó. Tuy nhiên, gia đình không tin nên tiếp tục chuyển vào Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh và cho kết quả giống nhau.
Khoảng 1 giờ sáng ngày 12/9, hai bệnh nhân còn lại được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh và sau đó chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Sau khi được điều trị tích cực, hiện tại 2 bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, dấu hiệu sinh tồn ổn định.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, Sở Y tế Khánh Hòa đã gửi mẫu các mẫu ốc mà các bệnh nhân đã ăn cho viện Hải dương học. Lãnh đạo Viện Hải dương học mới thông tin về các loại mẫu ốc này.
Viện đã xác định trong số 30 cá thể ốc gây ra vụ ngộ thực phẩm ở huyện Vạn Ninh có 29 cá thể là ốc bùn răng cưa (Nassarius papillosus) và 1 cá thể là ốc bùn bóng (Nassarius glans).
Qua phân tích, trong 2 loại ốc trên đều có hàm lượng độc tố Tetrodotoxin (TTX) rất cao, gấp 21,7 - 77,7 lần giới hạn cho phép. Ước tính chỉ cần ăn 5-10 cá thể ốc trên đủ gây ngộ độc tử vong cho người bình thường. Tetrodotoxin là độc tố thần kinh có trong nhiều loài cá nóc biển ở Việt Nam.
Độc tố Tetrodotoxin tấn công hệ thần kinh trung ương của người và động vật bậc cao. Triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện khoảng 20-60 phút sau khi ăn bao gồm: tê môi, tê lưỡi, chóng mặt, đau đầu, nôn mửa, khó nói, nuốt khó, mất cân bằng vận động, co giật, sùi bọt mép... trường hợp nặng, nạn nhân có thể tử vong do liệt cơ hô hấp.
Theo lãnh đạo Viện Hải dương học, Tetrodotoxin bền nhiệt, bền với a-xít, không bị phân hủy ở nhiệt độ cao. Nguồn gốc độc tố trong các loài ốc biển hiện nay chưa được biết rõ và khá phức tạp, không phải tất cả các cá thể trong cùng một loài đều mang độc tố, và độc tố cũng rất khác biệt trong mỗi cá thể, vùng địa lý và mùa vụ.
Do đó, để tránh thiệt hại đến sức khỏe và tính mạng con người, tuyệt đối không ăn những loài ốc biển có tiền sử gây ngộ độc hoặc chưa được kiểm chứng về an toàn thực phẩm.