Ngày 11/9, ông Nguyễn Tiến Cường - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Anh cho biết, có 22 em nghi bị nhiễm trùng tiêu hóa, 26 em triệu chứng ho sốt (có thể do bệnh khác) và 4 em nhập viện BV Đa khoa huyện Đông Anh với dấu hiệu nghi ngộ độc.
Theo BS Nguyễn Tiến Ninh – trưởng khoa Nhi, BV Đa khoa huyện Đông Anh, các học sinh nhập viện trong tình trạng sốt nhẹ, buồn nôn và đau bụng đi ngoài. Sau điều trị, sức khỏe các em tốt hơn, một em đã xuất viện, còn học sinh khác có thể ra viện trong một vài ngày tới.
Ngay khi nhận được thông tin vụ việc các học sinh tại trường tiểu học Tiên Dương có biểu hiện nghi ngộ độc thực phẩm, lãnh đạo huyện Đông Anh đã chỉ đạo đoàn kiểm tra liên ngành xuống tận nơi để điều tra, xác minh vụ việc.
Kết quả điều tra ban đầu, trường Tiểu học Tiên Dương có 2.115 học sinh và 64 giáo viên. Cả trường có 1.556 em ăn bán trú và 1.600 em tham gia chương trình “Sữa học đường” của thành phố.
Bữa trưa gần nhất của các em học sinh là 11 giờ ngày 9/9. Các em có biểu hiện nghi ngộ độc vào 21 giờ cùng ngày.
Đơn vị cung cấp suất ăn sẵn cho trường là hộ kinh doanh Vũ Quỳnh (địa chỉ: Số 65, thôn Trung Oai, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh). Bữa trưa ngày 9/9 cho các học sinh được 13 nhân viên của hộ kinh doanh này trực tiếp chế biến, thực đơn gồm có: Thịt kho tàu, trứng chim cút chiên, canh rau ngót, su su xào tỏi, cơm trắng.
Nguồn gốc của thịt lợn do Công ty cổ phần CP Việt Nam, gạo do hộ kinh doanh Nguyễn Thị Bốn (địa chỉ: Số 172, Cao Lỗ, Uy Nỗ) cung cấp. Trong khi đó rau ngót, hành, su su, trứng chim cút… do Công ty cổ phần đầu tư phát triển thương mại và dịch vụ Bảo An (địa chỉ: thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương) cung cấp.
Còn sữa các học sinh uống do Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) cung cấp. Nước uống đóng chai do Công ty cổ phần dịch vụ thương mại và tư vấn xây dựng Minh Quang (địa chỉ: Thụy Lôi, Thụy Lâm, Đông Anh) cung cấp.
Theo đại diện Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Hà Nội, hiện chưa đủ căn cứ để kết luận các học sinh trường tiểu học Tiên Dương bị ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, nghi ngờ ban đầu trong thực phẩm các em ăn có nhiễm vi sinh. Nên cơ quan chức năng đã yêu cầu lấy mẫu lưu của toàn bộ số thực phẩm trên gửi Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia để kiểm nghiệm theo quy định.
Cơ quan chức năng đã tiến hành vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ phòng học trường học bằng dung dịch có chứa 0,05% clo hoạt tính và khuôn viên nhà trường.
Đối với hộ kinh doanh Vũ Quỳnh – đơn vị cung cấp suất ăn cho các học sinh, huyện Đông Anh đã yêu cầu tạm dừng toàn bộ hoạt động để phục vụ cho công tác điều tra, làm rõ nguyên nhân.
An AnBạn đang xem bài viết Hà Nội: Nhiều học sinh bị đau bụng, nôn trớ, nghi ngộ độc thực phẩm tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].