Mỗi người đàn ông hay phụ nữ luôn cần có những việc phải chi tiêu mà không phải lúc nào cũng muốn lấy ra từ 'cái hom' của vợ. Vậy phụ nữ hay đàn ông có quỹ riêng thì có xấu không?
Một ngày đẹp trời Chị Nguyễn Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) phát hiện chồng có "quỹ đen". Chị biết chồng có quỹ đen do chồng chị cho em họ ở quê vay 20 triệu để sửa nhà. Chị về quê, nghe được chuyện này. Chị bán tín bán nghi hỏi chồng thì mới vỡ lở chuyện chồng có quỹ đen từ bao giờ mà chị không biết.
Vợ chồng chị là cán bộ công chức nhà nước, lương 2 vợ chồng cũng đủ trang trải cho cuộc sống của 4 người, đặc biệt là tiền học của 2 đứa con cấp 1 và cấp 2. Chị vẫn thủ thỉ với chồng cố gắng chắt chiu, tiết kiệm để có chút tích cóp. Đặc biệt, kể từ khi cưới nhau xong, chị nói với chồng không ai lập quỹ đen, có việc gì cần chi tiêu thì cứ bàn bạc, chia sẻ với nhau.
Do đó, khi phát hiện chồng có quỹ đen, chị thấy buồn vì chồng giấu mình, không chia sẻ với vợ.
"Tôi không biết anh ấy lập quỹ đen từ khi nào, sau sự việc thì phát hiện trong tài khoản riêng của anh ấy có hơn 50 triệu. Tuy không phải tiền lớn nhưng tôi thấy mất niềm tin vào chồng, không biết anh ấy đã dùng quỹ đen vào việc cá nhân gì trong khi mọi việc ở gia đình vẫn là chi từ nguồn lương đóng góp vào của chúng tôi".
Cũng từ việc vỡ lở quỹ đen của chồng chị Hòa mà chị và anh cãi nhau liên miên, anh thì cho rằng cũng cần phải có quỹ riêng để giải quyết những việc cá nhân, còn chị Hòa thì khăng khăng đã là vợ chồng thì việc gì cũng cần phải chia sẻ.
Trao đổi với PV Gia Đình Mới, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn (Hà Nội) cho rằng, một trong các chuyện quan trọng trong mỗi gia đình đó là chuyện tài chính. Thu nhập bao nhiêu, mức thu chi thế nào, người tiêu dùng thông minh ra sao cũng đóng góp lớn vào việc xây dựng hạnh phúc gia đình.
Trong chuyện chi tiêu gia đình, các cặp vợ chồng khá quan tâm tới chuyện "quỹ đen". Vợ chồng có nên có quỹ đen không? Chồng/vợ có quỹ đen thì có xấu không?
Chuyên gia Đinh Đoàn cho biết, hiện nay mọi người đang nhầm lẫn giữa "quỹ đen" và "quỹ tiêu dùng riêng". Một loại quỹ văn minh, còn một loại thì không được ủng hộ.
Ví dụ một người đàn ông thu nhập 20 triệu/tháng, người chồng này thỏa thuận thẳng thắn với vợ về việc sẽ “nộp” cho vợ 15 triệu và giữ lại 5 triệu để tiêu cá nhân. Việc mỗi tháng người chồng tự giữ 5 triệu đó là tạo thành quỹ tiêu dùng riêng cá nhân, cả 2 vợ chồng đều biết. Người vợ sẽ không quản lý số quỹ này của chồng nhưng biết là chồng có một khoản tiền riêng, người chồng sẽ chủ động chi tiêu việc riêng hợp lý.
Tôi ủng hộ loại “quỹ tiêu dùng cá nhân” này bởi tôi thấy đây là mô hình rất văn minh. Người chồng khi đã đảm bảo đủ một khoản chi phí cho gia đình và đưa cho vợ thì có một số tiền để chủ động chi tiêu, sinh hoạt. Trong những trường hợp này, người chồng không phải hỏi tiền từ vợ khi muốn mua từ những cái rất nhỏ nhặt như từ lọ keo xịt tóc, cái áo sơ mi hay thi thoảng uống cốc bia cũng bạn bè.
Còn quỹ đen: Nói đến ‘đen’ nghĩa là đen tối. Người chồng/vợ có quỹ đen là người giấu giếm đối phương để cất đi 1 khoản tiền, rồi sử dụng vào việc riêng, những việc “đen”. Ví dụ như lương của một người chồng là 12 triệu nhưng chỉ báo với vợ 9 triệu, giấu vợ rồi cất đi 3 triệu, tạo thành quỹ đen. Tôi không ủng hộ loại quỹ này, bởi tôi cho rằng vợ chồng có thể chia sẻ với nhau về mọi việc. Người đàn ông hoàn toàn thông báo với vợ các khoản chi cá nhân, và tôi nghĩ người phụ nữ họ sẽ đồng tình.
Chuyên gia Đinh Đoàn cũng khẳng định, việc có quỹ tiêu dùng riêng hay quỹ đen chưa hẳn đã xấu. Thậm chí có những trường hợp giải quyết được sự cố trong gia đình nhờ quỹ đen. Quỹ chỉ xấu khi người cầm quỹ làm việc không tốt, không trong sáng mà thôi.
Chuyên gia Đinh Đoàn cũng cho biết, hiện nay chi tiêu gia đình hiện nay có 3 kiểu:
Thứ nhất: Góp chung 1 phần, còn lại ai có người ấy giữ. Ví dụ 1 gia đình chi tiêu 1 tháng hết 15 triệu thì chồng và vợ mỗi người 1 nửa hoặc chồng góp 10 triệu, vợ 5 triệu. Còn lại vợ/chồng có bao nhiêu thì tự giữ. Mô hình này khiến 2 vợ chồng khá tự do. Trong những gia đình này thì quỹ đen là vô nghĩa.
Thứ hai: Vợ chồng của gia đình này không đóng góp nhưng khoán đầu việc. Lương vợ ít thì vợ lo thức ăn, cơm nước hàng ngày, thuốc men khi ốm đau... Còn các khoản lớn như tiền học của con, chi phí sắm sửa đồ dùng trong nhà, khoản nợ ngân hàng thì chồng thu nhập cao hơn sẽ phụ trách. Mô hình này cũng rất dân chủ, công bằng, ít các trường hợp giấu giếm quỹ đen.
Thứ ba: Gom vào một chỗ (thường là chồng lấy lương xong sẽ chuyển hết cho vợ). Đó là mô hình ở các gia đình bình dân, thu nhập thấp. Nguồn thu của cả 2 vợ chồng cũng mới chỉ đủ để chi tiêu các khoản trong gia đình. Nếu vợ hoặc chồng mà giữ tiền riêng theo kiểu quỹ đen hoặc chỉ đóng góp 1 phần như 2 mô hình trên thì sẽ khiến trang trải gia đình rất khó khăn. Nhưng ở trong mô hình này lại hay phát sinh quỹ đen.
Khi 1 trong 2 người có quỹ đen mà bị đối phương phát hiện, gia đình thường xảy ra bất hòa bởi cho rằng người giấu quỹ đen là ích kỷ, không vun vén cho gia đình, không trong sáng, bớt tiền chi tiêu của gia đình để làm những việc cá nhân.
Vợ chồng cùng nhau xem xét thu nhập, cách chi tiêu và lựa chọn mô hình phù hợp thì sẽ linh hoạt hơn và minh bạch hơn. Khi nguồn thu còn hạn hẹp, 2 người cần bàn bạc để có kết hoạch chi tiêu hợp lý, động viên nhau cố gắng vượt qua khó khăn, nỗ lực làm việc để nâng cao thu nhập.
Khi cuộc sống, thu nhập dư dả, việc vợ chồng thỏa thuận với nhau về quỹ tiêu dùng riêng là điều văn minh, hợp lý.
Gia Đình Mới tổ chức cuộc thi "Bí kíp tiêu dùng thông minh" chia sẻ những câu chuyện có thật, giúp độc giả có cái nhìn phong phú, thực tiễn hơn trong cách tiêu dùng, quản lý tài chính của từng gia đình, từ đó rút ra cách quản lý tài chính khôn ngoan, tiêu dùng thông minh hơn.
Mỗi bài dự thi đăng trên http://giadinhmoi.vn sẽ được nhận ngay nhuận bút 1 triệu đồng. Cuộc thi do Tạp chí Gia Đình Mới và Ngân hàng SeABank phối hợp tổ chức.
Chi tiết cuộc thi TẠI ĐÂY