Ngày 17/11, trong khuôn khổ sự kiện Hội thảo – Triển lãm về tài chính số, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) - Thành viên Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội đã trình bày kinh nghiệm triển khai công nghệ tự động hóa quy trình thông minh bằng robot kết hợp với Trí tuệ nhân tạo (Intelligent Automation) và đưa ra một số đề xuất, khuyến nghị cho Bộ Tài chính hướng tới đạt được các mục tiêu trong chiến lược Chuyển đổi số của Bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030.
Sự kiện Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý ngân sách nhà nước (Vietnam Digital Finance) năm 2022 (VDF-2022) là hội thảo thường niên đã được Cục Tin học và thống kê Tài chính (Bộ Tài chính) phối hợp cùng Viện Chiến lược và chính sách tài chính tổ chức đã diễn ra với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số và hiện đại hóa toàn diện ngành Tài chính”.
Có nhiều đóng góp tích cực trong thực hiện hóa chiến lược chuyển đổi số quốc gia nói chung và ngành tài chính nối riêng với các giải pháp hải quan 1 cửa, hệ thống hội nghị truyền hình, hệ thống giám sát an toàn an ninh mạng SOC, hệ thống quản lý cán bộ công chức cho Bộ Tài chính, chùm kênh truyền toàn ngành tài chính, Viettel Solutions là doanh nghiệp duy nhất được trình bày ý kiến tại phiên hội thảo chính.
Tại hội thảo, bà Trịnh Thị Lan, Giám đốc Tư vấn Chuyển đổi số của Viettel Solutions đã chia sẻ các thông tin nghiên cứu về kinh nghiệm áp dụng tự động hóa quy trình thông minh bằng robot – Intelligent Automation (IA) trong Bộ Tài chính các quốc gia trên thế giới như Ba Lan, Mỹ, Indonesia và Romania.
Nhờ việc áp dụng tự động hóa thông minh tập trung vào các nghiệp vụ tốn nhiều thời gian, lặp đi lặp lại, với dữ liệu lớn dễ sai sót chủ quan, ngành tài chính các quốc gia này đã tăng tốc độ phục vụ, tăng trải nghiệm, tăng độ hài lòng của người dân & doanh nghiệp.
Hiệu quả rõ ràng có thể kể đến khi áp dụng IA trong các nghiệp vụ giải ngân các khoản thanh toán, thu thập thông tin và đối soát, hạch toán các khoản tiền đi và đến… đã được tối ưu thời gian hoàn thành tới 60%, năng lực xử lý tăng gấp 30 lần mà không cần thêm nhân lực và đặc biệt là độ chính xác độ chính xác khi thực hiện các tác vụ tự động đạt tới 100%.
Đại diện Viettel Solutions cho biết việc tận dụng giá trị của IA sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện hóa các mục tiêu trong chiến lược Chuyển đổi số của Bộ Tài chính, giúp các cơ quan quản lý tối ưu các hoạt động vận hành và cung cấp các dịch vụ tài chính số chất lượng phục vụ xã hội, nâng tỷ lệ hài lòng của người dân trong giải quyết thủ tục hành chính lên tối thiểu 90%.
Cũng tại sự kiện, Viettel đã trình diễn các giải pháp công nghệ và hệ sinh thái số nổi bật của mình trong triển lãm tài chính số, thu hút quan khách tham gia như trung tâm điều hành Đô thị thông minh (IOC), Trung tâm giám sát An toàn thông tin (SOC), Hệ sinh thái Viettel. Cloud, Viettel Money, Hệ thống lắng nghe và giám sát danh tiếng Reputa,...
Trong thời gian tới, Viettel Solutions sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ tài chính trong việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT, bao gồm các khóa đào tạo trong nước và ngoài nước cho cán bộ của Bộ Tài chính nhằm bổ sung kiến thức về công nghệ, quản lý dự án CNTT, quản trị, vận hành các hệ thống ứng dụng CNTT, tiến tới tự làm chủ công nghệ để chủ động khắc phục, sửa chữa khi có vấn đề phát sinh đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa của ngành Tài chính.
Đồng thời, Viettel cũng sẽ hỗ trợ cập nhật thông tin công nghệ, xu hướng CNTT theo định kỳ với cán bộ ngành Tài chính nhằm hỗ trợ Bộ Tài chính trong việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực CNTT, trọng tâm vào một số công nghệ, giải pháp “lõi” của chuyển đổi số như: Công nghệ điện toán đám mây (Cloud), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (Internet of Things),...