Việt Nam nỗ lực bảo vệ quyền con người trên không gian mạng

Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng… bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng

Đảm bảo an ninh mạng gắn liền với quyền con người

Cơ sở chính trị, pháp lý quốc tế của Luật An ninh mạng là quyền dân tộc tự quyết, quyền này được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (Việt Nam đã gia nhập năm 1982).

Nhắc lại quyền dân tộc tự quyết để thấy, Luật An ninh mạng hoàn toàn tương thích với luật pháp quốc tế về quyền con người, không làm tổn hại đến lợi ích quốc gia; là cơ sở pháp lý để bảo vệ lợi ích quốc gia trong thời đại kỹ thuật số. Đó là bảo vệ không gian điện tử và tài nguyên số của Việt Nam; đồng thời, cũng là cơ sở để bảo vệ, bảo đảm quyền con người.

Luật An ninh mạng, gồm 7 chương, 43 điều. Nguyên tắc bảo vệ an ninh mạng là:

1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

2. Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước,…

3. Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng… bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng,… (Điều 4).

Luật chỉ áp dụng các chế tài đối với việc sử dụng không gian mạng để thực hiện những hành vi sau:

1. Chống Nhà nước;

2. Xâm phạm quyền và lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đó là:

(1) Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

(2) Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc,…

(3) Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội,… xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;

(4) Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc,…

(5) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội,...

(6) Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi (Điều 8).

Đối với quyền con người, Luật An ninh mạng hoàn toàn phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền con người nói chung, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (năm 1966) nói riêng.

Xét về quyền con người, quyền và lợi ích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, Luật An ninh mạng hoàn toàn không có bất cứ hạn chế, vi phạm nào đối với quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng này.

Trái lại, Luật An ninh mạng là công cụ pháp lý hữu hiệu nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp để người dân và doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng bị “ô nhiễm” thông tin như bảo đảm không khí, nước uống và thực phẩm sạch cho sức khỏe con người.

Đồng bộ hoá với các bộ Luật khác vì con người 

Nhìn lại hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay, có thể nói Luật An ninh mạng được thiết kế đồng bộ với Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật khác, như: Luật Báo chí (năm 2016); Luật Tiếp cận thông tin (năm 2016) và Nghị định của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin mạng, v.v.

Cụ thể, Luật Báo chí năm 2016 quy định quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân gồm: phát biểu ý kiến về tình hình thế giới và đất nước, tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác.

Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 quy định công dân có quyền được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, được bày tỏ quan điểm, chính kiến, khiếu nại, khởi kiện, tố cao hành vi vi phạm pháp luật.

Nghị định số 72/2013/NĐ-CP nhấn mạnh chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân ở các vùng khó khăn có thể sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng vào việc tìm kiếm và tiếp cận thông tin.

Trên thực tế, chính phủ Việt Nam đã triển khai hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Chính phủ cũng công bố công khai hằng năm Chỉ số cải cách hành chính của các cơ quan hành chính Nhà nước và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.

Chính phủ thành lập Ủy ban quốc gia, đẩy nhanh tiến độ xây dựng “Chính phủ điện tử”; cổng thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước, nhằm cung cấp dịch vụ công trực tuyến, để cán bộ, cơ quan, tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân; để người dân thông qua mạng internet có thể bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, gửi ý kiến tới Đảng, chính quyền nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận phản ánh thông tin, kiến nghị của người dân.

Ngày càng có nhiều người dùng internet, mạng xã hội để bày tỏ chính kiến, tổ chức các diễn đàn thảo luận, phản biện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, gửi các góp ý, kiến nghị đến các cơ quan chức năng ở Việt Nam. Nhiều thông tin từ mạng xã hội đã được các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền kiểm tra, xác minh và xử lý kịp thời.

Sự phát triển nhanh của các phương tiện thông tin đại chúng và internet cho thấy quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin ở Việt Nam đã có bước cải thiện, phát triển mạnh mẽ.

Tuấn Anh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan