“Nó vẫn như một cuốn phim đang lưu trong đầu tôi, từ ngày cháu mới trong bụng mẹ 6 tháng, tôi đón mẹ con nó lên đây chăm sóc. Mẹ nó đẻ, sau bà đỡ là tôi đón cháu đầu tiên. Nuôi cháu 2 năm, tôi cứ thắc mắc sao cháu ngoan quá, chẳng khóc bao giờ' - bà ngoại bé Vân Nhi kể.
"Rồi 2 năm đưa cháu đi khắp bệnh viện nhỏ, không tìm nổi bệnh cho đến ngày vào Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung Ương.
12 năm chiến đấu bệnh tật, nó không khóc, nghị lực lắm.
Ngày thứ 7 vừa rồi, hai bà cháu vẫn ăn cơm với nhau, vẫn nằm ngủ với nhau. Rồi nó ốm, mệt, tiêm không đỡ phải vào bệnh viện. Tôi có được gặp nó từ hôm đấy đâu, mãi trưa nay mới được sờ vào mặt nó.
"Vân Nhi à, sao trốn bà đi mà không nói gì...!
"Sao nó không nói bà ơi bà con thương bà lắm, con nhớ bà lắm! Nó chẳng nói gì với tôi hết” - bà ngoại của Vân Nhi nghẹn ngào.
Không ngồi tiếp khách, bà Đặng Thị Chính (Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) liên tục dọn dẹp nhà cửa. Bà đã 81 tuổi, dáng người mảnh khảnh đi qua lại trong căn nhà rất nhiều khách lạ. Hôm nay, nhiều người đến để nghe về câu chuyện của bé Vân Nhi - cô bé 12 tuổi, dũng cảm, cao cả đã để lại đôi mắt sáng trong của mình thắp sáng cuộc đời.
Cho đến lúc, khi nghe người lạ hỏi bà nghĩ gì về cô cháu gái 12 tuổi, đôi tay nhăn nheo, gầy gò của bà dừng lại. Bà ngồi xuống và kể về những thứ đang hiện trong đầu mình, bà nói nhanh, như sợ quên không tả kịp cho người đối diện tất cả các thước phim mình ghi lại được từ cô cháu gái bé nhỏ.
Cháu của bà, bé Vân Nhi, phát hiện bệnh hiểm nghèo từ ngày 1 tuổi và 11 năm sau đó là chiến đấu với bệnh hiểm nghèo. Trong trí nhớ của mọi người, của bà, Nhi là cô gái rất ngoan và nghị lực. Bé thích làm bác sĩ, lạc quan trong chính những năm tháng cùng cực, đau đớn của bệnh tật.
“Nó vẫn như một cuốn phim đang lưu trong đầu tôi, từ ngày cháu mới trong bụng mẹ 6 tháng, tôi đón mẹ con nó lên đây chăm sóc. Mẹ nó đẻ, sau bà đỡ là tôi đón cháu đầu tiên. Nuôi cháu 2 năm, tôi cứ thắc mắc sao cháu ngoan quá, chẳng khóc bao giờ. Rồi 2 năm đưa cháu đi khắp bệnh viện nhỏ, không tìm nổi bệnh cho đến ngày vào Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung Ương.
12 năm chiến đấu bệnh tật, cháu không khóc, nghị lực lắm. Cho đến ngày phẫu thuật, cháu cũng không khóc. Vẫn cứ ước mơ làm bác sĩ, vẫn rất thương và tình cảm với tôi.
Nếu phải đánh đổi cái mạng già này, tôi cũng chấp nhận nếu cháu mình được sống”, bà Chính kể lại.
Bà có 4 đứa cháu, 2 nội, 2 ngoại thì bà thương và yêu Vân Nhi nhất. Vì bé sống với bà từ ngày 6 tháng trong bụng mẹ, thời gian ở với bà còn nhiều hơn ở với bố mẹ.
Cô cháu gái 12 năm tuổi ấy, tình cảm ngây thơ, trong sáng, ngày ngày làm niềm vui, an tựa tuổi già cho người bà quá nửa đời người. “Có những hôm cuối tuần, cháu về với bố mẹ mà mãi không qua tôi chơi. Nhớ quá, tôi lại phải gọi điện, rắng nó mãi. Nó bảo, chiều con lên nhà bà. Tôi nhớ lắm, thương lắm”.
Vậy nhưng, căn bệnh quái ác đã cướp đi cháu gái bé nhỏ, nơi bấu víu nương tựa của bà. Căn nhà nhỏ của bà vẫn vậy, thước phim của bà vẫn vậy, duy chỉ biến mất bóng dáng và giọng nói của cô cháu gái kiên cường.
Ảnh của Nhi từ ngày bé, tờ giấy khen phôtô, chồng sách giáo khoa lớp 6 của Nhi vẫn còn đó. Chỉ có điều, sẽ chẳng ai còn cùng bà ngoại đọc sách, đọc báo. Bà Chính mới mổ đục thuỷ tinh thể, như bác sĩ dặn, mắt bà con yếu và phải nghỉ ngơi. Vậy là chẳng còn cô bé tinh nghịch “làm đôi mắt của bà”.
“Tôi thường mua báo cho cháu đọc, có hôm, tôi hỏi cháu thích bài nào nhất. Nó nói với tôi, con thích tựa đề bài “tương lai của con, hạnh phúc của con”. Nó đọc lại hết cho tôi bài báo ấy.
Tôi vẫn nhớ, bài báo nói về nuôi dạy con khi học hành, cha mẹ quan tâm tương lai của con. Tôi nghĩ, nó đọc được như thế, chắc chắn nó sẽ có trách nhiệm với bố mẹ và ông bà, nó sẽ nhân đức với tôi. Tất cả những điều đó, như tôi mới được nghe ngày hôm qua thôi
Nhưng sách nó vẫn để kia mà nó đã đi rồi”.
Bà khóc! Nước mắt lặng lẽ chảy xuống, giọt nước mắt khó nhọc mà bàng hoàng của người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh. Rồi bà trách, đứa cháu gái bà yêu quý nhất, trốn bà vào viện mà chẳng nhắn nhủ lại lời nào.
“Ngày thứ 7, hai bà cháu vẫn ngủ với nhau, vẫn ăn với nhau. Buổi chiều, tôi thấy cháu mệt nên dặn cháu ăn cơm để tiêm. Bố nó mang cơm đến, có nhiều món: nem rán, khoai sọ sườn, rau muống xào nhưng cháu ăn ít lắm.
Nó thích ăn canh rau muống luộc dầm sấu, cơm lúc nào cũng phải có bát canh, nó không thích ăn cái, chỉ ăn nước thôi nhưng chỉ ăn trên lưng bát cơm. Ngày thứ 7, tôi cũng nấu cho cháu bát canh rau muống.
Thế mà từ hôm đó đến giờ, tôi chưa được gặp cháu. Tôi đòi vào nhưng các con cháu nội ngoại không cho, chúng nó sợ mắt tôi mới mổ, khóc nhiều rồi mù. Nhưng tôi chết cũng phải vào nhìn mặt nó chứ. Nó đi, nó trốn tôi không nói gì với tôi, không nói bà ơi con thương bà, nhớ bà.
Nhưng nó không nói gì cả.
Mãi trưa nay, tôi mới được gặp cháu, tôi sờ hết chân tay mặt mũi, cháu vẫn đầy đặn lắm!”
Chỉ 3 ngày không gặp, hai bà cháu Vân Nhi vĩnh biệt chẳng thể gặp lại nhau! Sinh - tử là điều chẳng ai cưỡng nổi. Chuyện Vân Nhi ra đi mãi mãi là điều không thể thay đổi, bà Chính không thể thay đổi. Cô bé nằm an nhiên, tươi đẹp và trong giấc mơ được thắp cho đời đôi mắt sáng của mình.
Bà kể tiếp, ngày bé còn sống, cha mẹ nhiều lần nhắc đến chuyện hiến tạng, bé thích và đồng tình. Bé từng xem những video về một em bé 7 tuổi hiến giác mạc, Nhi cảm động và hứa hẹn sẽ làm những điều tương tự.
Cho đến ngày bác sĩ thông báo với gia đình bé đã chết não, cả nhà họp lại để quyết định hiến đôi giác mạc của con, để thực hiện một ước mơ cao đẹp của bé.
Nhưng bà Chính - người của thế hệ trước, lăn tăn sợ cháu mình “ra đi” không lành lặn. “Người đời vẫn nói, giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay, giờ cháu nó bé thế, làm sao kiếm sống được ở Thế giới bên kia, người ta vẫn nói trần sao âm vậy mà. Nhưng bố mẹ và nó vì nghĩa cử cứu người nên tôi cũng đồng tình để cháu được cho đôi mắt”.
Chẳng nhìn vào mặt người đối diện, bà cứ kể, có lúc không đầu không cuối. Cảm tưởng, cứ nhớ được gì từ cháu, bà lại nói, nói cho bớt cái thương, cái nhớ trong lòng bà.
Rồi đồng hồ điểm 18 giờ, bà mở ti vi, bật to tiếng. Bà xem bản tin thời sự, hôm nay, trong bản tin đó, cháu gái yêu của bà với hành động vĩ đại được nhắc đến. Thước phim trên truyền hình chưa đầy một phút nhưng nó đóng lại cuốn phim 12 năm qua của bà. Bà lại bật khóc, liên miệng nói “Vân Nhi của bà!”.
Bây giờ, bà chỉ có thể ngắm Vân Nhi qua những bức ảnh, chẳng thể sờ lên đôi má đầy đặn, nghe giọng nói ngọt ngào của cháu. Nhưng với bà, cháu gái đã làm rất tốt, khi nghĩa cử của cháu không phải ai cũng làm được.
“Rồi sau này tôi chết, nếu được, tôi cũng sẽ hiến tất cả cho đời!”.