'Cùng con học nói” là nguồn tài liệu đầy đủ tính lý thuyết, cung cấp nền tảng khoa học đồng thời có những gợi ý bài tập thực hành cụ thể không chỉ dành cho các bậc cha mẹ trong quá trình nuôi dạy con mà còn là tài liệu tham khảo tốt cho các đơn vị trị liệu.
Cuốn sách ra đời là kết quả 20 năm nghiên cứu về thụ đắc ngôn ngữ của tiến sỹ Sally Ward, một người có tình yêu đặc biệt với ngôn ngữ. Bà là nhà nghiên cứu, bác sĩ, chuyên gia tư vấn trị liệu làm việc tại Manchester, Anh Quốc.
Bà cũng là chuyên gia cố vấn trong lĩnh vực Thiểu năng Ngôn ngữ tại Đại học Hoàng Gia chuyên đào tạo bác sĩ trị liệu ngôn ngữ và giao tiếp. Dựa trên kinh nghiệm nhiều năm, bà xây dựng và phát triển Chương trình Trẻ học nói – một chương trình không chỉ có lợi cho sự phát triển toàn diện của trẻ, mà còn mang đến niềm vui và tăng cường sự gắn bó giữa cha mẹ và con trẻ. Chương trình này đươc trình bày cụ thể trong cuốn sách.
Cùng con học nói giúp phát huy tối đa khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ trong ba năm đầu đời
Với Chương trình Trẻ học nói, các bậc cha mẹ có thể bắt đầu khi trẻ sắp hoặc đã qua thời kỳ sơ sinh. Chìa khóa thành công của Chương trình này là 30 phút mỗi ngày, cha/mẹ chơi một – một với con, trong môi trường yên tĩnh, không bị quấy rầy hay bị gián đoạn. “Trong khoảng thời gian đó, cha mẹ và con trò chuyện với nhau, chia sẻ trọng tâm chú ý do trẻ lựa chọn.”
Không chỉ cung cấp những tài liệu bổ ích trong quá trình nuôi dạy con, Cùng con học nói còn đưa ra các phụ lục cảnh báo về việc chẩn đoán sai các chứng bệnh ở trẻ, những rắc rối thường gặp của các bậc cha mẹ trong quá trình nuôi dạy con, những tài liệu đọc thêm về ngôn ngữ vô cùng và thú vị.
Cuốn sách được phân thành các mục dựa theo các nhóm tuổi, cụ thể, bốn nhóm tuổi trong năm đầu tiên, ba nhóm tuổi trong năm thứ hai, hai nhóm tuổi trong năm thứ ba và một nhóm tuổi trong năm thứ tư. Dưới đây giới thiệu Chương trình Trẻ học nói áp dụng với nhóm tuổi thứ nhất trong năm đầu tiên và nhóm tuổi trong năm thứ tư.
Chương trình Trẻ học cho 3 tháng đầu đời của trẻ
Những tuần đầu khi mới được sinh, bé hầu như không thể làm gì được và hạn chế trong việc kiểm soát chuyển động cơ thể. Tuy nhiên, bé đã có khả năng khám phá thế giới từ sớm thông qua thị giác, thính giác. Và cha mẹ sẽ nhận thấy rằng bé có những khả năng đáng ngạc nhiên trong giao tiếp và tương tác.
Với Chương trình Trẻ học nói dành cho trẻ ở 3 tháng đầu đời, “điều tiên quyết và cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt là hình thành nhịp điệu nửa tiếng mỗi ngày" dành thời gian chơi một mình với trẻ. Khoảng thời gian này có thể thiết lập bằng cách kéo thời gian cho ăn và thay bỉm thay vì dành riêng 30 phút.
Trẻ sơ sinh có những khả năng đáng ngạc nhiên trong giao tiếp và tương tác.
Theo tiến sĩ Sally Ward, điều quan trọng trong suốt chương trình này là giữ căn phòng yên tĩnh trong thời gian chơi. Bởi đây là thời điểm khả năng lắng nghe của trẻ đang bắt đầu phát triển, có thể tập trung vào các âm thanh cần nghe và sàng lọc âm thanh nền. Trẻ cũng đang phát triển “khả năng kỳ diệu phân biệt các âm vị (các âm nhỏ nhất tạo ra nghĩa khác nhau, ví dụ từ “pin” và “bin” trong tiếng Anh).”
Cha mẹ hãy thường xuyên nói chuyện với bé trong giai đoạn này, về mọi thứ đang diễn ra hay những gì đang nghĩ. Khi bên nhau trong khung cảnh yên tĩnh, cha mẹ hãy nói chuyện với bé theo cách thật đặc biệt.
Dùng câu ngắn, lên bổng xuống trầm, hãy lặp lại thật nhiều lần, hãy chắc chắn cha/mẹ và bé thật gần nhau và mặt đối mặt, hãy dùng những ngôn từ ngọt ngào một cách tự nhiên ở giai đoạn này như “Chu cha, ai mà đáng yêu thế này? Con của mẹ đấy. Đúng rồi, con mẹ mà. Thiên thần của mẹ đây mà”.
Đồng thời, theo tác giả cuốn sách, cha mẹ hãy bắt đầu tham gia các cuộc hội thoại theo lượt với bé. “Ví dụ, hãy gừ nhẹ đáp lại bé khi bé gừ nhẹ, lắc lư cái đầu dang hai bên theo bé hay đáp lại nhụ cười của bé bằng một nụ cười. Đây đích thực là khởi đầu cho hoạt động giao tiếp trong cuộc đời bé sau này”. Cha mẹ cũng hãy hát cho bé nghe thật nhiều trong những tháng này.
Tiến sĩ Sally Ward cho rằng,việc đặt câu hỏi là “một phần quan trọng của ngữ liệu giao tiếp mà người lớn dành cho trẻ, có ích hoặc không phụ thuộc và cách thức, lý do và số lượng câu hỏi được sử dụng”.
Những câu hỏi tu từ một chiều đơn thuần như “Bé nào thông minh thế nhỉ?” các cha mẹ thường dùng trong ba tháng đầu tiên của trẻ vốn không cần câu trả lời và lại thế hiện được cảm xúc.
Chương trình Trẻ học nói khi trẻ 3 - 4 tuổi
Về sự phát triển ngôn ngữ, trong giai đoạn 3 – 3,5 tuổi, trẻ hiểu được nhiều động từ, tính từ và giới từ , có thể bắt kịp các câu hỏi có ba đến 4 từ quan trọng. Trẻ cũng bắt đầu hiểu được ý nghĩa gián tiếp của một số cụm từ như “một chút” và biết khá rõ người khác đã biết và chưa biết điều gì. Tuy nhiên, những gì trẻ hiểu vẫn chủ yếu mang nghĩa đen.
Ở giai đoạn 3,5 – 4 tuổi, điều tuyệt vời là trẻ đã làm chủ ngôn ngữ. “Chỉ trong vòng bốn năm ngắn ngủi, trẻ có thể hiểu và sử dụng vốn từ vựng lên đến hàng nghìn từ và các kiểu câu cơ bản trong ngôn ngữ. Lúc này, trẻ đã trở thành một người có thể giao tiếp hoàn toàn bằng lời nói và biết được ý nghĩa của hàng nghìn từ.
Trong giai đoạn trẻ từ 3 – 4 tuổi, việc trẻ chơi cùng trẻ khác trở nên vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, trẻ vẫn hưởng lợi rất nhiều từ việc chơi một mình cùng cha/mẹ.
Theo tiến sỹ Sally Ward, việc chơi một mình cùng cha/mẹ vẫn rất quan trọng ở giai đoạn trẻ 3 - 4 tuổi
Đặc biệt, việc chơi một – một cực kỳ quan trọng với trẻ ở độ tuổi này vì trẻ trong lứa tuổi ba đến bốn đều trải qua giai đoạn “nói lắp” – nghĩa là trẻ lặp lại nhiều lần các âm tiết hay từ.
Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ biến mất sau vài tuần hoặc vài tháng khi các kỹ năng ngôn ngữ phát triển. Vì vậy, nguyên tắc vàng cần tuân thủ là các bậc cha mẹ không bao giờ buộc trẻ chú ý đến cách trẻ nói, tránh trường hợp trẻ vốn không hề biết chuyện gì đang xảy ra giờ đây nhận ra việc nói lắp của mình. Điều này gây ra khó khăn cho trẻ và khiển trẻ mắc chứng nói lắp thực sự.
Địa điểm phù hợp cho việc chơi một – một ở giai đoạn này có thể thay đổi khá đa dạng, miễn là cha/mẹ và con được một mình cùng nhau ở một nơi yên tĩnh nào đó như làm vườn, đi bộ hay một chuyến đi xa nào đó.
Cha mẹ hãy theo dõi sự chú ý của trẻ mặc dù có thể giai đoạn này trẻ đã phát triển kỹ năng thay đổi trọng tâm chú ý. Tác giả cuốn sách cũng đưa ra lời khuyên rằng, đừng sốt ruột với việc phải bắt đầu dạy trẻ. “Trẻ sẽ học được nhiều hơn khi được cung cấp thông tin một cách ngẫu nhiên và thông tin đó liên quan đến điều trẻ đang quan tâm”.
Giai đoạn này cha mẹ hãy giúp trẻ phát triển kỹ năng chơi bằng cách cung cấp cho trẻ đồ chơi phù hợp và chỉ cho trẻ những cách khác nhau có thể thể áp dụng khi chơi đồ chơi.
Đồng thời, hãy đảm bảo trẻ vẫn hứng thú với việc lắng nghe. Trẻ lúc này rất thích hát, nhảy theo nhạc và vỗ tay theo nhịp điệu. Hay giờ đọc sách cũng có thể mang đến cho trẻ những trải nghiệm lắng nghe tuyệt vời.
Đặc biệt, ở giai đoạn này, cha mẹ không cần phải suy nghĩ về độ dài của câu. Hãy nói chuyện với con một cách tự nhiên, nếu trẻ không hiểu sẽ tự động hỏi lại. Cha mẹ hãy nói lại rõ ràng và chính xác điều trẻ vừa nói nếu trẻ mắc lỗi ngữ pháp hay lỗi về âm.
Việc đặt câu hỏi cho trẻ trong giai đoạn này sẽ giúp trẻ tư duy và giải quyết vấn đề. Mặc dù các câu hỏi nên được lựa chọn cẩn thận nhưng vẫn áp dụng nguyên tắc, không bắt trẻ lời câu hỏi.
Khi trẻ bước vào tuổi thứ tư, về cơ bản đã kiểm soát được việc sử dụng ngôn ngữ, có vốn từ rộng, có thể hiểu và sử dụng tất cả các loại câu cơ bản trong ngôn ngữ.
Điều cha mẹ có thể giúp trẻ trong giai đoạn này là tận hưởng khoảng thời gian bên con, cùng con đọc sách, nấu ăn, làm vườn, chơi đồ chơi. Qua đó giúp con tích lũy và phát triển ngôn ngữ. Đây cũng là lúc trẻ bắt đầu đi học.