Đại diện trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam cho biết, em Phạm Thùy D. là học sinh hiện theo học lớp 10 chuyên sinh có thành tích học tập tốt, cư xử đúng mực với thầy cô và bạn bè.
Liên quan đến vụ việc nữ sinh học lớp 10 trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam Phạm Thùy D. tố cáo bị anh rể bạo hành trong một thời gian dài, phía anh rể của em D. đã "dẫn chứng" cho hành vi ứng xử của mình với em D là do em "học không tốt", "sẵn sàng gây gổ và đánh lại mọi người"...
Tuy nhiên, trao đổi với Gia Đình Mới chiều ngày 28/5, bà Kiều Tâm - đại diện của trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam cho biết, theo phản ánh của các thầy cô giáo trực tiếp dạy em D., trong các năm học tại trường em Phạm Thùy D. không có biểu hiện gì khác biệt, vui vẻ, hòa đồng với các bạn, không gây gổ, không hỗn láo với thầy cô.
"Em đã từng đạt giải thành phố trong kỳ thi học sinh giỏi” - bà Kiều Tâm khẳng định.
Theo bà Tâm, hiện tại học sinh đang nghỉ hè (bắt đầy từ Thứ Sáu tuần trước - ngày 25/5) nên em D. cũng như các học sinh khác đang được cha mẹ quản lý tại gia đình.
Theo đại diện nhà trường cho biết, việc đúng sai của các thông tin liên quan đến em D. trong các ngày qua trên các trang mạng cần được xác minh, kết luận của các cơ quan có thẩm quyền theo đúng chức năng, đúng quy định của luật pháp. "Còn về phía nhà trường giải quyết sự việc theo đúng thẩm quyền, đúng chức năng, đúng quy định của luật pháp trên cơ sở đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan"- bà Tâm cho biết thêm.
Chia sẻ thêm, bà Tâm cho biết: “Dù thế nào, em D. là trẻ vị thành niên. Em D. cần sự quan tâm, hỗ trợ, chỉ bảo, hướng dẫn của gia đình, của nhà trường và của toàn xã hội để em hiểu thấu đạo mọi vấn đề, biết đúng, biết sai, biết điều chỉnh, đủ nghị lực, đủ hiểu biết, vững vàng trải qua mọi khó khăn, áp lực trong cuộc sống. Em D. đã từng là học sinh giỏi, em cần phấn đấu để giữ vững và huy hơn thành tích học tập. Nhà trường tin rằng em sẽ hiểu mình, hiểu đúng sai của mọi vấn đề xuất hiện trong cuộc sống để tự điều chỉnh để có nhiều niềm vui trong cuộc sống hiện tại cũng như tương lai".
Quan điểm của trường vẫn là chung tay cùng gia đình để bảo vệ em khỏi những tổn thương về tâm lý và thể xác. Đồng thời, nhà trường mong muốn em sớm bình tâm để nhìn nhận thấu đáo mọi vấn đề trong cuộc sống, có cách điều chỉnh bản thân để vượt qua mọi áp lực.
Nhà báo Trương Anh Ngọc - Thông tấn xã Việt Nam: "Trẻ em chưa được giáo dục kỹ năng sống đầy đủ"
"Khi một câu chuyện gia đình ở trong gia đình, thì nó vẫn chỉ là chuyện trong bốn bức tường. Nhưng khi những chuyện đó được đưa lên Facebook, được truyền tải qua nhiều góc nhìn khác nhau, với những mục đích khác nhau, thì đấy là một câu chuyện hoàn toàn khác, thành chuyện của nhiều người, ồn ào, lộn xộn, mà thực ra không phải ai cũng biết bản chất câu chuyện và những vấn đề của nó là gì.
Đáng buồn nhất ở chỗ, đấy là một bi kịch gia đình.
Tôi không bình luận về chuyện ai đúng ai sai ở đây. Tôi chỉ thấy đáng buồn. Vì rõ ràng là gia đình có chuyện phức tạp đã lâu, mà cha mẹ không chú ý, không xử lý nội bộ gia đình được. Trẻ em – nạn nhân của sự việc, thì không được giáo dục kỹ năng sống. Cụ thể, các con phải biết nếu bị bạo hành thì làm cách nào để kêu cứu mà không làm lộ thông tin cá nhân trên mạng xã hội, không làm cả gia đình bị ảnh hưởng".
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH): "Các em có thể không lường hết được những tác động “con dao hai lưỡi” của mạng xã hội"
"Một điều đáng lưu ý, là các em đang trong độ tuổi được bảo vệ khi gặp vấn đề thì nên thông báo đến các cơ quan chức năng. Các em phải thật thận trọng khi chia sẻ các thông tin cá nhân lên mạng xã hội kể cả khi đang bị bạo hành. Các em có thể không lường hết được những tác động “con dao hai lưỡi” của mạng xã hội. Các em hoàn toàn có thể gọi đến tổng đài 111 – Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em để cơ quan chức năng kết nối, hỗ trợ bảo vệ chính mình và bảo mật thông tin cho mình”.