Với một đất nước luôn coi trọng phong tục truyền thống như Trung Quốc, vẫn có rất nhiều người lựa chọn đi du lịch trong những ngày nghỉ Tết như một cách để thư giãn và tận hưởng cuộc sống.
Ở Trung Quốc, Tết Nguyên Đán đã có lịch sử hơn 4000 năm với nhiều phong tục truyền thống và ý nghĩa sâu xa.
Tết Nguyên Đán là dịp lễ quan trọng nhất trong năm khi các gia đình cùng quây quần bên nhau đón năm mới, cúng bái tổ tiên và làm tròn bổn phận với gia đình họ hàng.
Đặc biệt, đối với một đất nước luôn coi trọng gia đình lên trên hết như Trung Quốc thì dịp Tết càng có ý nghĩa quan trọng.
Dù trong năm công việc bận rộn đến đâu, thì dịp Tết họ đều tạm gác lại công việc để về quê, ở bên bố mẹ và thờ cúng tổ tiên, cầu chúc may mắn và trường thọ đến với gia đình trong năm tiếp theo.
Tuy nhiên, ngày nay nhiều người Trung Quốc lại lựa chọn thời gian nghỉ Tết để đi du lịch, có những người đưa cả bố mẹ ra nước ngoài chơi thay vì ở quê sum vầy và làm các nghi lễ truyền thống như trước kia.
Tính đến ngày 01/02/2018, số lượng người có dự định đi du lịch ngày Tết tại Trung Quốc đã tăng 30% so với năm 2017.
Điều này dường như đang dần trở thành một xu thế tại Trung Quốc, đặc biệt là những đối tượng trong độ tuổi từ 30 - 45 tuổi. Họ đưa bố mẹ cùng đi du lịch nước ngoài, vì công việc thường ngày của họ quá bận rộn, nên Tết chính là cơ hội hiếm hoi để cả nhà cùng nhau đi trải nghiệm.
Khác với những đối tượng đi du lịch trong những ngày lễ khác, những người đi du lịch trong dịp Tết ở Trung Quốc chủ yếu là những người đã lập gia đình và cùng đi du lịch với cả gia đình. Vì thế, họ vừa có cơ hội đi chơi vừa không "bỏ quên" cha mẹ mà cả gia đình vẫn được sum họp ấm cúng, vui vẻ.
Mặc dù trong dịp Tết, giá cả dịch vụ du lịch ở các nơi đều tăng lên, nhưng số lượng người đi du lịch trong khoảng thời gian này vẫn ngày càng nhiều.
Nếu du lịch trong nước, những người dân phương bắc thường có xu hướng du lịch về phương nam để tận hưởng ánh nắng mặt trời, còn những người phương Nam lại ngược lên phương Bắc để ngắm tuyết, trượt băng.
Với những người có quan niệm Tết phải về quê, việc Tết đi du lịch bị coi như "phá bỏ" truyền thống dân tộc, không coi trọng việc gia đình đoàn tụ.
Còn với những người quan niệm Tết là dịp đi du lịch, thì họ coi đây là cơ hội để thư giãn và tận hưởng, "bù đắp" cho cả một năm dài bận rộn với công việc và cuộc sống.