Tích trữ thực phẩm để ăn Tết: Coi chừng ngộ độc

Hàng hóa nhiều, quản lý bất cập, thói quen tích trữ thực phẩm của người dân là những nguy cơ gia tăng tình trạng ngộ độc thực phẩm vào dịp Lễ Tết.

Ngày Tết, bánh kẹo là mặt hàng bị làm giả nhiều nhất

Ngày Tết, bánh kẹo là mặt hàng bị làm giả nhiều nhất

Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong 4 năm qua, tại Việt Nam, toàn quốc ghi nhận 862 vụ ngộ độc thực phẩm làm 24 nghìn người mắc, 130 người chết. Tính trung bình mỗi năm có gần 200 vụ với hơn 4 nghìn người đi viện và có tới 26 người chết vì ngộ độc.

Riêng dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, ngành y cũng đã ghi nhận hơn 3.100 tổng số ca khám rối loạn tiêu hoá, ngộ độc thức ăn và rượu.

Có thể đánh giá, ngộ độc thực phẩm đang âm thầm tấn công sức khỏe, tính mạng người dân. Và dịp Tết Nguyên đán là thời điểm nhạy cảm trong an toàn thực phẩm khi nhu cầu mua sắm, tiêu thụ của người dân lớn nhất.

Nắm bắt được nhu cầu lớn của xã hội, không ít tiểu thương, người sản xuất trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm qua mắt người tiêu dùng.

Trong số thực phẩm ngày Tết được tiêu thụ nhiều nhất phải nói tới bánh kẹo và rượu. Đây cũng là các mặt hàng được làm giả, làm nhái và khó quản lý nhất. Có thể thấy trên thị trường thời điểm này xuất hiện rất nhiều các hãng bánh kẹo, rượu “ăn theo” những tên tuổi lớn.

Ngày 30/1, theo thông tin mới nhất từ Đội Quản lý thị trường số 24 và công an huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, các cơ quan này đã phát hiện khoảng 4.000 hộp bánh kẹo thành phẩm có hình thức nhái các thương hiệu bánh kẹo đang bán chạy trên thị trường.

Trước đó, ngày 6/1, Đội Quản lý thị trường số 23 phối hợp cùng Công an huyện Đan Phượng (Hà Nội) cũng phát hiện và thu giữ gần 7 tấn kẹo đã chảy nước, bốc mùi chua; gần 3 tấn bột trắng nghi là đường đã vón cục và 60 thùng bánh các loại cùng các vỏ hộp, nhãn mãc, máy móc đóng gói dập hạn sử dụng.

Bên cạnh bánh kẹo là các mặt hàng thực phẩm mặn như lạp xường, bánh chưng, giò chả… cũng bị điểm tên có vấn đề về chất lượng. Ngay cả với các sản phẩm handmade cũng tồn tại không ít bất cập.

Ngoài các sản phẩm được làm từ nguyên liệu kém chất lượng, nhiều món hàng được tẩm ướp các loại chất bảo quản, phẩm màu rẻ tiền độc hại. Thịt lợn, thịt trâu biến hình thành thịt bò, bánh chưng được luộc bằng pin, giò chả chứa hàn the… là chuyện không mới của thực phẩm bẩn ngày Tết.

Song song với đó, ngày Tết nhu cầu du lịch, giao lưu nhiều, người dân còn giữ thói quen tích trữ nhiều sản phẩm để ăn Tết… càng đẩy mạnh nguy cơ ngộ độc trong cộng đồng.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP – Bộ Y tế) cho biết, các thực phẩm có sức tiêu thụ tăng gấp 10 lần ngày bình thường như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát... có thể làm giả, làm nhái rất nhiều, không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dùng, vì vậy, người dân không nên dùng rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo… trôi nổi trên thị trường.

Ngoài ra, trong dịp Tết, người dân thường có thói quen tích lũy nhiều thực phẩm trong nhà, nhất là các loại thực phẩm có nhu cầu tiêu dùng nhiều như bánh kẹo, bia rượu, nước giải khát, thịt, cá, rau củ quả...

Tuy nhiên, ở các tỉnh miền Bắc, dịp Tết Nguyên đán hay có mưa phùn, thời tiết ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nên nhiều thực phẩm rất dễ mốc, gây ngộ độc cho người sử dụng. Đặc biệt là các loại hạt có dầu thường dùng nhiều trong dịp này như hướng dương, hạt đậu tương, đậu phộng, lạc... rất dễ nấm, mốc.

Ở miền Nam, thời tiết nóng, nhiệt độ cao, cũng khiến các sản phẩm có nhiều đạm như thịt, cá, cua, tôm... rất dễ ôi thiu.

Vì vậy, lãnh đạo Cục ATTP khuyến cáo người dân không nên tích lũy nhiều thực phẩm trong mấy ngày Tết. Hiện nay, các sản phẩm tươi sống như thịt, cá, rau, củ quả… luôn sẵn có, đáp ứng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng.

Lô kẹo chảy nước mới được đội quản lý thị trường số 26 phát hiện và bắt giữ

Lô kẹo chảy nước mới được đội quản lý thị trường số 26 phát hiện và bắt giữ

Về vấn đề thực phẩm handmade, theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội), trên thị trường gần đây xuất hiện buôn bán thực phẩm handmade khá phổ biến.

Nhiều người cho rằng, nhà làm là yên tâm tuy nhiên, người tiêu dùng phải biết thật chính xác nguồn gốc của thực phẩm đó chứ không chỉ nghe qua quảng cáo, vì trường hợp chỉ nghe qua quảng cáo nhưng lại gặp phải hàng kém chất lượng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.

Chia sẻ về vấn đề này, TS BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia Việt Nam) cho biết, để bảo quản thực phẩm ngày Tết, người dân không nên dự trữ quá nhiều đồ. Khi chọn mua thực phẩm người tiêu dùng cần kiểm tra kĩ chất lượng, thời gian sử dụng tránh mua phải hàng ôi thiu hay hết hạn.

Để kéo dài thời gian bảo quản thức ăn, các bà nội trợ cần lưu ý một số điểm như. “Khi bảo quản, cần gói kín thức ăn để không bị bốc mùi, không lây nhiễm vi sinh vật sang các món ăn khác.

Khi để nhiều thức ăn trong tủ lạnh, cần chỉnh lại nhiệt độ vì nếu không đủ độ lạnh thức ăn sẽ mau hỏng. Thực phẩm tươi sống cần được làm sạch và bảo quản ở ngăn đá để có thể giữ được lâu ngày. Khi cần chế biến món ăn nào thì lấy ra rã đông và sử dụng. Sau khi rã đông, thức ăn cần nấu hết.

Bạn muốn bảo quản rau được lâu trong ngày tết thì sau khi bỏ lá sâu, lá giập, cắt bỏ phần rễ thì rửa sạch rau cho vào túi, buộc kín rồi xếp vào ngăn tủ mát. Với trái cây bạn cũng nên rửa sạch, để ráo, sau đó cho vào túi buộc kín rồi cất vào tủ lạnh.

Nếu mua các loại đã được bảo quản trong tủ lạnh thì về nhà cũng phải bảo quản trong tủ lạnh. Với các loại rau củ quả không gọt vỏ, khi ăn phải rửa bằng nước muối loãng hay nước rửa rau quả chuyên dụng.

Đối với thức ăn nấu chín cần để nguội hẳn rồi đậy kín và cất vào tủ lạnh”.

Hồng Ngọc

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính