Từ ngày 6/4, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tại Hà Nội trở lại trường học tập. Vậy cha mẹ cần làm gì để con trở về quỹ đạo học tập tốt nhất?
Theo chuyên gia tâm lý giáo dục TS Vũ Việt Anh, Tổng giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội), học trực tuyến kéo dài sẽ kéo theo những tổn thương, biến đổi về tâm lý, tạo nên thói quen sinh hoạt khác.
Việc ngồi học trực tuyến ở nhà lâu sẽ khiến nhiều trẻ lười vận động. Một số trẻ có thể quen với việc sử dụng điện thoại, chơi game, ngại giao tiếp… Thậm chí, nhiều học sinh học online lâu cảm thấy hiệu quả hơn tới trường bởi có thể tự tạo không gian học, vị trí, cách học phù hợp. Tuy nhiên, những thói quen, suy nghĩ này cần thay đổi bởi con người phải có sự tương tác, thích nghi, giao tiếp.
Chính vì vậy mà cha mẹ cần theo dõi và chỉnh đốn lại các thói quen này để trẻ bước vào học trực tiếp dễ dàng hơn.
Tiến sĩ Vũ Việt Anh cho rằng, muốn học sinh nhanh chóng thích ứng nền nếp, thói quen học tập khi trở lại học trực tiếp, thầy cô không cần quá tập trung việc hoàn thiện kiến thức ngay mà hãy dành thời gian củng cố, tổ chức lại lớp học, xây dựng mối quan hệ giữa các em với nhau; học sinh với giáo viên; cần tổ chức hoạt động để tạo ra không khí đoàn kết, gắn bó, tâm lý thoải mái, từ đó giúp học sinh có động lực tới trường.
Trẻ trở lại học tập trong trạng thái bình thường mới cần có bước chuẩn bị kỹ để giúp học sinh nhận thức, tâm thức đúng, thích ứng và theo kịp với yêu cầu của học trực tiếp mà không cảm thấy áp lực, đột ngột.
Còn về phía gia đình, cha mẹ cần giám sát, nhắc nhở, động viên, giải thích cho con hiểu việc tới trường quan trọng ra sao, đến trường không đơn giản là học kiến thức mà còn được phát triển toàn diện kỹ năng xã hội, làm việc nhóm…
Để trẻ thích vận động hơn, cha mẹ và gia đình cần cho trẻ cùng ra ngoài, đi chơi hoặc đi du lịch, cả nhà cùng tham gia hoạt động để trẻ trở nên năng động khi trở lại trường học.
Việc đưa trẻ ra ngoài chơi cũng là cách để cha mẹ tách trẻ từ từ khỏi các thiết bị điện tử, các trò chơi qua mạng, chơi game… Việc này cần thực hiện từ từ, theo giới hạn thời gian cho phép, để trẻ không phản ứng mà hợp tác với người lớn trong cải thiện thói quen của bản thân.
Mọi chuyển đổi cần có thời gian để thích nghi, sau đó mới tính đến đáp ứng đòi hỏi, yêu cầu của môn học, kỷ luật trường học, như vậy học sinh mới thích ứng và phát triển kịp yêu cầu học tập, trường lớp.
Ngoài ra, để tăng sức đề kháng và miễn dịch cho trẻ, phòng ngừa COVID-19 khi trẻ trở lại trường học, các chuyên gia y tế khuyên cha mẹ có con đang độ tuổi đến trường cần lưu ý:
- Tiêm phòng ngay cho trẻ khi được phép của Chính phủ, Bộ Y tế
- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp, tập luyện thể dục, tránh thừa cân béo phì
- Kiểm soát tốt các bệnh mạn tính
- Tránh để trẻ bị nhiễm lạnh
- Đảm bảo thông khí tốt trong môi trường sống, học tập
- Vệ sinh bàn tay
- Sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc người khác
- Hướng dẫn, tập luyện thường xuyên các biện pháp phòng chống
- Hướng dẫn để rác thải đúng nơi quy định
- Khi có dấu hiệu nghi ngờ: Sốt, viêm long hô hấp, tiếp xúc yếu tố nguy cơ... cần kiểm tra ngay và tránh tiếp xúc với người khác khi chưa có kết quả xét nghiệm.