Thời gian ngưng đọng ở những trạm đọc báo công cộng cuối cùng của Hà Nội

Chắc chắn không có nhiều người nói về việc này như một thói quen khi mà giờ đây, có nhiều phương cách để họ cập nhật tin tức. Cứ như vậy, việc đọc báo trên bảng tin công cộng bị lãng quên.

Cập nhật tin tức tại các trạm tin phường và các bảng đọc công cộng trở thành thói quen khó bỏ của bao người. 

Hơn 5 giờ sáng hôm nào ông Sửu cũng đạp xe từ đường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) tới phố Lê Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) để cập nhật tin tức thời sự trong nước và quốc tế. 

Dựng chiếc xe đạp sau khi đi hết vòng Hồ Gươm, ông Sửu đeo kính, bắt đầu sống lại những năm tháng đọc tin tức trên bảng tin thuở nào.

Đó dường như là ‘thủ tục’ không thể thiếu khi bắt đầu ngày mới của ông cụ đã 81 tuổi này. Ông Sửu là một trong số ít người giữ được thói quen đến các bảng tin đọc báo hằng ngày.  

Nét đẹp Hà Nội bị lãng quên

Những năm 90 của thế kỷ trước, các trạm tin phường ở Hà Nội được lập ra với mục đích chính là phục vụ công tác tuyên truyền cho nhân dân nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Trạm tin phường Hàng Đào giờ đây chỉ để dánh các tờ áp phích, cổ động. 

Có một thời, chúng là biểu tượng của nét văn hoá của người Tràng An. Nhưng giờ đây, thói quen đọc báo trên bảng tin dường như đã bị lãng quên.

Trạm tin phường được thiết kế đơn giản với khung sắt dựng vuông thành sắc cạnh, chắc chắn. Những trang báo được dàn trải lên tấm bảng rộng chừng 2 mét vuông thôi nhưng đó đã từng là cả trời tin tức của cả một thế hệ.

Để tránh mưa gió, những tờ báo trong đó được bảo vệ bằng một lớp kính có thể kéo sang hai bên, tiện cho việc thay nhật báo.

Bây giờ, số trạm đọc công cộng khắp Hà Nội thực hiện đúng chức năng của nó chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Nhiều trạm tin phường đã bị vỡ kính, bên trong là những tờ tờ rơi quảng cáo, tuyển nhân viên nham nhở, cũ mèm. Thậm chí, chúng còn bị bủa vây bởi những hàng quán và hàng loạt các điểm trông giữ xe cộ.

Rất nhiều các trạm tin phường trở thành nơi ai cũng có thể dán thông tin quảng cáo, rao vặt. 

Đứng từ xa nhìn vào, đa số các bảng tin phường im ắng, chìm nghỉm giữa không gian ồn ã, tấp nập của cuộc sống thường nhật. Tiến lại gần thêm chút nữa, bên trong là chỉ là những biểu ngữ, khẩu hiệu được dán từ bao giờ.

Quay lại những năm 90 của thế kỷ trước, người ta mới thấy những trạm đọc tin phường hữu ích đến nhường nào.

Thời ấy, internet chưa phát triển, lại càng không có chuyện ai ai cũng cầm điện thoại lướt mạng nhoay nhoáy như bây giờ.

Những bảng đọc công cộng đó đã từng có sức hút với tất cả những ai muốn cập nhật tin tức hằng ngày.

 Cùng với việc tập thể dục hằng ngày, đọc báo ở các bảng đọc công cộng giúp ông Sơn thấy thư thái và khoẻ khoắn. 

Trạm tin phường là nơi đã nuôi dưỡng biết bao tâm hồn người Hà Nội. Nơi đây trở thành mảng ký ức hân hoan của thế hệ cha ông. Bây giờ, vẫn chỉ có những vị khách quen thuộc ngày nào hay lui tới như một thói quen.

Các thế hệ trước không còn xa lạ với việc tới trạm tin phường đọc báo ‘đứng’ hằng ngày. Thế nhưng, hẳn nhiều người không còn nhớ đến nét văn hoá rất Hà Nội này. Thậm chí, thế hệ 9X, 10X còn không biết sự tồn tại của các trạm tin phường.

Ngược dòng thời gian, quay lại những năm 90 của thế kỷ trước, những trạm tin phường là một kho tin tức ‘khổng lồ’ của tất cả mọi người.

Họ hồ hởi đứng trước trạm tin để đọc những tin tức trong và ngoài nước. Thậm chí, có những người đọc chẳng sót một chữ nào trên những tờ báo đó.

 

Ông Sửu cho biết, ở nhà ông đặt 1 số tờ báo giao đến tận cửa, truyền hình cáp và internet được các con lắp đặt cho chẳng thiếu thứ gì. Nhưng ông vẫn thích cảm giác đứng trước trạm đọc công cộng, vừa hồi hộp lại vừa hân hoan.

Dường như việc cập nhật tin tức bằng những tờ báo dán trên trạm đọc là một việc họ không thể không làm mỗi ngày.

Thời đó, không phải gia đình nào cũng có điều kiện mua báo hằng ngày. Và những trạm tin phường trở thành vị cứu tinh của những ai muốn biết hôm nay có những sự kiện gì, câu chuyện nào nổi bật.

Trước đây, ông Sơn (ở Hồ Linh Quang, Đống Đa, Hà Nội) thường xuyên cập nhật tin tức hằng ngày qua bảng tin phường. Ông chia sẻ, khoảng chục năm trở lại đây, ông đã bỏ thói quen mỗi sớm đều đặn tới trạm tin phường gặp gỡ những người cùng lứa, đọc tin tức nữa.

Khi đi thể dục, ông Sơn không quên cầm theo chiếc kính để phục vụ cho việc dừng xe, đọc báo. 

Bây giờ, các trạm tin phường chỗ ông cũng đều bị bỏ cả rồi. Ông biết tin tức qua các kênh truyền hình, mạng điện tử thay vì đọc báo giấy.

Gặp ông Sơn ở bảng đọc báo Hà Nội Mới trên phố Lê Thái Tổ, ông Loan tâm sự: ‘Thời thế thay đổi rồi, giờ người ta chẳng còn đọc báo trên bảng tin như thời các ông ngày xưa nữa’.

Trạm tin phường nơi ông Sơn và ông Loan ở đều không còn tồn tại nữa. Thi thoảng, thấy nhớ cái nét văn hoá Hà Nội xưa, những người như ông Sơn và ông Loan lại lên đây để tìm về ký ức một thời của cả Hà Nội.

Với đa số, đặc biệt là những người trẻ, việc dành thời gian mỗi ngày để tới trạm tin phường đọc báo là một điều không tưởng. Cuộc sống bận rộn và hàng tá áp lực đè nặng trên vai không cho phép họ thong thả như vậy.

Hiếm có thế hệ 8X, 9X điềm đạm đứng trước trạm đọc báo công cộng như thế này. 

Một phần vì tin tức ở các trạm tin phường đó không đa dạng, không phù hợp với thị hiếu của họ. Phần khác, họ chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối wifi mạng internet, họ ngồi một chỗ, cập nhật tin tức khắp mọi nơi mà không cần phải đi đâu.

Cùng với sự phát triển của mạng internet, tin tức được cập nhật từng phút một, người đọc dễ dàng tìm kiếm được thông tin theo nhu cầu của mình.

Sự ra đời và phát triển của báo mạng điện tử, các trang tin và mạng xã hội đã khiến văn hoá đọc thay đổi và kéo theo đó là rất nhiều sự lựa chọn kênh tiếp cận thông tin của mỗi người.

Những điều còn lại

Tuy không còn được nhiều người dân tìm đến và coi trạm tin phường là nơi cập nhật tin tức nhưng bây giờ chúng vẫn có giá trị trong việc đưa thông tin nội bộ của một tổ dân phố, cụm dân cư hay đơn giản chỉ là nơi công khai các khoản thu chi quỹ thiện nguyện của địa phương.

Đứng trước trạm đọc báo công cộng, cả một trời ký ức hiện về. 

Góc phố đó đã từng là nơi cập nhật tin tức của thế kỷ trước với những người thuộc thế hệ các cụ, các ông, các bà, giờ đây, những người đến với trạm đọc công cộng chủ yếu chỉ là người cao tuổi, đặc biệt là những cụ ông đã về hưu.

Với họ, trạm đọc tin công cộng không chỉ là nơi đọc báo mà còn là chỗ để các cụ gặp gỡ và nói chuyện vui vẻ hay ôn lại ký ức vàng son của thời bao cấp. Để họ biết, họ còn minh mẫn và thấy mình không lạc lõng với thời cuộc.

Sáng nào, ông Sửu cũng dành 10-15 phút đọc những trang báo được dán thẳng thớm trên bảng đọc báo của báo Hà Nội Mới.

Hôm nào khoẻ, ông Sửu còn đạp xe đi đọc báo Nhân dân trên phố Hàng Trống và qua phố Phan Đình Phùng, cập nhật tin tức từ tờ Quân đội nhân dân.

Thi thoảng, ông Sửu gặp những gương mặt quen tại đây. Các cụ trao đổi, bàn luận với nhau về những tin tức cập nhật được.

Chăm chú đọc từng mục trên tờ báo là những gì thế hệ các cụ làm khi tới đây. 

‘Tôi đọc báo ở đây đến khi nào nó không còn nữa thi thôi’, ông Sửu nhìn vào tiêu đề tờ báo chia sẻ.

Không đều đặn tới các trạm đọc báo công cộng như ông Sửu, ông Hiền (70 tuổi) thi thoảng tiện đường đi bộ qua đều lán lại vài phút xem có thông tin gì hay không.

Giữa năm 2017 này, báo giao đến tận nhà, sóng wifi và mạng internet phủ rộng khắp nơi, thật khó để bắt gặp ai đó kiên nhẫn đứng đọc báo trước trạm tin công cộng như ông Sửu, ông Hiền…

Các cụ chính là những người cuối cùng còn lưu giữ lối sinh hoạt đọc báo ở các bảng tin công cộng còn lại cuối cùng ở Thủ đô này.

Trạm tin phường Hàng Đào (được đặt trên phố Lương Văn Can), trạm tin phường Hàng Mã (được đặt trên phố Hàng Lược) và trạm tin phường Quán Thánh là 3 trạm tin phường còn lại cuối cùng ở Hà Nội.

Những trạm đọc báo công cộng này được trang bị thêm thiết bị chiếu sáng để người dân có thể dễ dàng đọc báo.

Những tấm kính bảo vệ của 3 trạm tin phường đó vẫn được kéo ra kéo vào nhưng chỉ vào những dịp đặc biệt của Thủ đô.

Trạm tin phường Hàng Đào giờ đây là 2 bức tranh cổ động chào mừng Ngày Quốc khách 2/9, Cách mạng tháng Tám 19/8 và 2 tấm áp phích kêu gọi người dân không sử dụng vũ khí cháy nổ.

Không còn trạm tin phường tồn tại với chức năng là nơi để người dân đọc báo, độc giả có thể tới trước cửa báo Quân đội nhân dân (phố Phan Đình Phùng), báo Nhân dân (phố Hàng Trông) và báo Hà Nội Mới (phố Lê Thái Tổ) để được ôn lại và lưu giữ thói quen đọc báo công cộng.

Ở những trạm đọc tin còn sót lại ở Hà Nội đó, hằng ngày, đâu đó vẫn có những con người bền bỉ dán từng trang báo lên, phục vụ những người muốn tìm đến lối sinh hoạt xưa cũ này.

Thời gian như ngưng đọng ở từng vết giấy còn sót lại sau mỗi lần thay một bản tin mới. 

Tú Anh /giadinhmoi.vn