Bệnh viện Bệnh Bạch Mai cho biết, hiện các bác sĩ của viện đang điều trị cho một thanh niên 30 tuổi (ở TP.Hưng Yên) được xác định là bị viêm màng não mủ do vi khuẩn não mô cầu. Ngay lập tức, các nhân viên y tế và những người tiếp xúc gần với bệnh nhân đã được uống kháng sinh dự phòng.
Theo lời kể người nhà bệnh nhân, trước khi vào viện 4 ngày, bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau họng, ho khan, 2 ngày sau xuất hiện sốt cao 39 độ, đau đầu và buồn nôn, đến đêm 17/4 xuất hiện sốt cao và nôn nhiều. Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên. Đến trưa ngày 18/4 bệnh nhân xuất hiện rối loạn ý thức và đã được chuyển đến Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai.
TS.BS Nguyễn Văn Dũng - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn nhiều, xuất hiện chấm xuất huyết ở chân và thân mình. Đặc biệt bệnh nhân đã có dấu hiệu của rối loạn ý thức, kích thích vật vã”.
Bệnh nhân được các y bác sĩ bệnh viện chẩn đoán viêm màng não mủ do vi khuẩn não mô cầu, đây là một trong những thể bệnh nặng của nhiễm khuẩn do não mô cầu.
Hiện bệnh nhân được nằm tại phòng cách ly để điều trị theo phác đồ viêm màng não mủ do vi khuẩn não mô cầu. Sau 4 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân đã tiến triển hơn, bệnh nhân đã tỉnh táo, còn sốt, tình trạng toàn thân cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần điều trị và theo dõi một thời gian theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Cách đây vài ngày, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã tiếp nhận cấp cứu 2 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch do bị viêm màng não mô cầu.
Trong đó có một thiếu nữ 15 tuổi ở Ba Vì (Hà Nội) nhập viện với triệu chứng sốt, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, đi ngoài không tự chủ, trên da xuất hiện chấm xuất huyết hoại tử hình sao rất đặc trưng của bệnh viêm màng não do não mô cầu.
Bác sĩ Dũng cũng cho biết thêm, bệnh do não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, do vi khuẩn não mô cầu (Neisseria meningitidis) gây nên. Bệnh lây truyền theo đường hô hấp, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch. Bệnh thường xảy ra ở nơi tập trung đông người (nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại, ...), người bị suy giảm miễn dịch hoặc đồng nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Tại Việt Nam, bệnh lưu hành và được ghi nhận rải rác tại nhiều địa phương, hay gặp vào mùa đông - xuân. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10 - 20%. Tỷ lệ tử vong có thể từ 8 - 15%.
Theo các bác sĩ, điều quan trọng là bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, cách ly để tránh lây lan dịch. Bệnh nguy hiểm nhưng có thể dự phòng bằng cách tiêm vắc xin.
Bên cạnh đó, cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và chất khoáng. Đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân (sống cùng nhà, người chăm sóc bệnh nhân,…). Thực hiện tốt vệ sinh, thông khí nơi làm việc.
Tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng. Hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh. Khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Lau sàn nhà, tay nắm cửa, lan can cầu thang, mặt bàn, ghế… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch từ 1 - 2 lần/ngày.
Người tiếp xúc gần với bệnh nhân (là những người sống cùng hộ gia đình, những người sống, làm việc cùng phòng, người trực tiếp chăm sóc, người có tiếp xúc mật thiết, trẻ học cùng trường mầm non/ nhà trẻ, cùng nhóm học, cùng lớp học… ) cần sử dụng thuốc điều trị dự phòng càng sớm càng tốt.
Đồng thời, cần hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt trong những phòng chật hẹp, thiếu không khí trong khu vực ổ dịch. Khi có biểu hiện mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời.