Bé Đào Văn T.(4 tháng tuổi), thường trú tại huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên bị khe hở môi toàn bộ bên phải nên ăn và thở rất khó khăn.
Dị tật bẩm sinh này làm ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống hàng ngày của T. nên gia đình phải đưa bé đi bệnh viện thăm khám, điều trị.
Ngày 09/5, bé Đào Văn T được đưa vào Khoa Ngoại và Chuyên khoa, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh. Theo lời kể của người thân, bé bị dị tật này từ lúc mới sinh nên sức khỏe kém, việc ăn, thở luôn gặp nhiều khó khăn.
Qua thăm khám các bác sĩ chẩn đoán bé bị khe hở môi toàn bộ bên phải và chỉ định phẫu thuật tạo hình khe hở môi cho bé.
Kíp phẫu thuật do bác sĩ Đỗ Hoàng Việt, bác sĩ Nguyễn Tiến Thành cùng các kỹ thuật viên gây mê tiến hành. Sau phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định và được theo dõi tại Khoa Ngoại & Chuyên khoa của bệnh viện.
Theo bác sĩ Đỗ Hoàng Việt, tật sứt môi và hở hàm ếch được chẩn đoán lúc sinh hoặc bằng siêu âm khi mang thai. Các dị tật sứt hở này có thể điều trị đơn giản nhưng cũng có thể phức tạp tùy thuộc vào kích thước của vết hở và mức độ ảnh hưởng đến việc thở, ăn và nói của trẻ.
Những dị tật bẩm sinh này có thể là do di truyền từ một hoặc cả bố hoặc mẹ, hoặc do các yếu tố môi trường tác động lúc mang thai như hút thuốc, uống rượu, dùng chất kích thích, dùng thuốc điều trị bệnh, nhiễm virus hay thiếu dinh dưỡng.
Sứt môi là dị tật bẩm sinh có khe nứt ở một hoặc cả hai bên đường giữa môi trên. Xảy ra khi 3 khối mô bào thai tạo thành môi trên không liền được với nhau và thường kết hợp với khe vòm miệng. Hở hàm ếch là có khe hở giữa vòm miệng và khoang mũi.
Sứt môi và hở hàm ếch thường có 3 dạng: Sứt môi nhưng không bị hở hàm ếch; Hở hàm ếch nhưng không sứt môi; Sứt môi và hở hàm ếch. Hiện tượng này có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên miệng.
Môi là bộ phận được hình thành vào giữa tuần lễ thứ 4 và thứ 5 và của thai kì. Hàm trên được hình thành vào giữa tuần thứ 7 và tuần thứ 8. Khe hở môi và khe hở hàm xảy ra ở thai nhi vào những thời điểm này và do tác động của nhiều yếu tố trong quá trình hình thành môi và hàm trên.
Các nghiên cứu cho thấy axit folic có thể giúp ngăn ngừa tật khe hở môi hàm. Vì thế, trước và trong khi mang thai, phụ nữ nên dùng axit folic để phòng bệnh cho trẻ, nên bắt đầu uống trước khi mang thai ít nhất 1 tháng. Liều lượng dùng bao nhiêu, dùng như thế nào cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia sản phụ khoa hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
Ngoài ra, axit folic cũng có nhiều trong rau xanh, cam quýt và các loại ngũ cốc, chị em nên ăn những thức ăn này để góp phần làm tăng lượng axit folic trong cơ thể.