Siêu mẫu Hà Anh: Không luyện ngủ cho con, không áp dụng phương pháp ăn dặm nào

Siêu mẫu Hà Anh đã có những chia sẻ tâm huyết về câu chuyện nuôi dạy con theo phương pháp này. Theo như cô chia sẻ, cô không luyện ngủ cho con và cũng không áp dụng phương pháp ăn dặm nào.

Siêu mẫu Hà Anh: Tôi nghĩ gì về các phương pháp nuôi và dạy con?

Bé Myla của tôi mấy ngày nữa là tròn 8 tháng, thế là cũng trên một nửa quãng đường đến với 1 tuổi đầu đời. Nói rằng “mới toanh” và “bỡ ngỡ” trong việc nuôi con thì cũng không hẳn, nhưng nếu gọi là “chuyên gia” hay “thành thạo” thì cũng không.

Thấy bé Myla vui vẻ, khoẻ mạnh, bụ bẫm, đáng yêu, rất nhiều người hỏi thăm tôi về kinh nghiệm chăm, nuôi bé.

Điển hình, nhiều người hỏi tôi về “phương pháp cho ăn dặm kiểu Nhật” hay “phương pháp cho ăn dặm nói chung”, có người hỏi “phương pháp luyện ngủ”, người thì hỏi tập cho bé bú bình bằng cách nào, làm sao luyện cho bé xuống hồ bơi dạn nước….

Tôi thường khá lúng túng bởi thực chất tôi không phải là tín đồ của bất kể phương pháp nào?

Bởi lẽ đầu tiên là từ phương pháp nghe có vẻ vừa khô khan, vừa cứng nhắc, lại có vẻ khắt khe. Tôi là người thích thuận theo khoa học, logic, và tự nhiên (tình cảm, cảm tính, tính cách đứa trẻ, cảm xúc của mình). Bảo tôi luyện cho tôi phương pháp còn khó, huống chi luyện cho con.

Chính vì vậy tôi cũng thực sự không có tìm hiểu nhiều để ngộ ra cái lợi tuyệt ơi là tuyệt của nhiều phương pháp.

Tôi mạn phép nói ra quan điểm riêng của mình về một số phương pháp các mẹ hay truyền miệng nhau và cách tôi nuôi Myla.

Phương pháp luyện ăn dặm Baby Led Weaning

Đây là phương pháp luyện cho trẻ làm quen với thức ăn người lớn. Bỏ qua bước ăn cháo nhuyễn, cháo lợn cợn, mà cho bé tự bốc đồ ăn. Đây là phương pháp đến từ Tây Pphương- những dĩ nhiên không phải ông bố, bà mẹ Tây phương nào cũng làm theo.

Đơn giản, đó chỉ là một trong nhiều cách để luyện cho con làm quen với đồ ăn người lớn.

Theo tôi hiểu, phương pháp này đề cao tính tự lập, cho trẻ tự luyện ăn đỡ tốn thời gian bón, cho bé có cảm nhận về tinh cá nhân - individuality. Bé thích ăn món gì sẽ tự bốc ăn món đấy.

Tuy nhiên, theo tôi, trẻ con bé chưa đủ nhận thức về việc món gì sẽ tốt cho chúng. Khả năng sẽ ăn món gì chúng thích hoặc không ăn, ăn ít, dẫn tới không đủ dinh dưỡng theo yêu cầu.

Theo tư duy của tôi, trẻ con là con người, không như con vật bị luyện đi kiếm mồi tự ăn, mà phải dựa vào bố mẹ nhiều hơn, cũng dễ hiểu, theo tự nhiên chúng nằm trong bụng mẹ nhiều hơn bất cứ con vật nào. Và người ta tin, phải 18 tuổi mới hình thành tâm sinh lý hoàn chỉnh.

Vậy, luyện bắt con phải tự lập, đề cao tính cá nhân, sở thích từ lúc con bé vài tháng để làm gì? Tuy nhiên tôi cũng không hoàn toàn phản đối phương pháp này.

Myla vẫn được ăn bột đều đặn theo cữ mỗi ngày, thay đổi nhiều vị để bé thích thú, xen kẽ với việc thỉnh thoảng tôi luộc rau quả, hay cắt trái cây cho bé ngồi nghịch cầm ăn, rất vui lại có sự làm quen với “tự”, chuẩn bị bé cho những giai đoạn sau khi bé tự xúc ăn.

Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật

Đây là phương pháp chuẩn bị rất cầu kỳ, mỗi món với hàm lượng nhất định, được xay nhuyễn riêng, không lẫn vị với nhau. Người ta kháo nhau phương pháp này sẽ khiến khẩu vị của bé được phát triển, sẽ phân loại được các vị, mùi món ăn từ bé.

Điểm bất lợi của phương pháp này là rất tốn thời gian, mẹ phải chuẩn bị tỉ mẩn.

Trong suy nghĩ và tư duy của tôi, thì không phải người Nhật nào áp dụng phương pháp này từ bé cũng trở thành Nobu (đầu bếp Nhật nổi tiếng thế giới).

Và nói thực, khoa học nào chứng mình được con số cụ thể các bé được ăn theo phương pháp này sẽ phát triển tối ưu vượt bậc về khứu giác, vị giác so với các bé khác…?

Nếu không, thì tôi nghĩ mẹ nào thích cầu kỳ và bầy biện vì sở thích của mình cứ làm. Chứ suy nghĩ không làm con sẽ phát triển kém hơn trẻ khác thì không nên.

Tôi cho Myla ăn thế nào?

Tôi không cho Myla ăn dặm sớm, kiên quyết chờ đến gần 6 tháng, thấy bé tò mò nhìn ba mẹ ăn, miệng nhóp nhép, mới thỉnh thoảng cho bé liếm thử chút đồ ăn (khi thì loại quả nào đó, có khi là ít sữa chua) trong nhiều tuần liền, mới dừng lại ở nếm chút.

Tôi nghĩ vì tôi muốn chờ con đủ 6 tháng, dạ dày phát triển toàn diện hơn. Hai là kích thích sự tò mò của con về việc ăn uống, làm bé thích thú.

Sau đó tôi bắt đầu cho bé thử ăn bột hoa quả, bột sữa. Mỗi lần cho bé ăn khoảng 2 thìa ăn cơm của người lớn. Ít một, vừa ăn vừa cho bé nếm, thưởng thức, Không bón quá nhanh, không ép bé ăn nhiều hơn.

Sau đó tôi tăng dần lượng lên theo nhu cầu của bé. Tuyệt nhiên không để bé oẻ hoẹ ra rồi mà vẫn bắt ăn tiếp. Nhưng ngược lại có lần bé chê vị táo, tôi không vì thế mà nản, không ép bé nhưng thử lại cho bé vào lần sau.

Chúng ta tôn trọng tính cá nhân và sở thích của bé, nhưng cũng nên hiểu rằng bé rất nhỏ cần sự hướng dẫn của bố mẹ nên chúng ta cũng phải kiên trì thuyết phục bé làm quen với nhiều mùi vị khác nhau.

Không nên hình thành việc kén ăn cho bé ở việc bé không chịu gì thì sẽ dừng cho ăn, bé thích ăn gì thì cho thật nhiều. Sau này bé đi chơi với bố mẹ, hay ra ngoài đời, khó ăn, sẽ thiệt thòi cho bé.

Myla vẫn ăn “bột ngọt”, và trái cây như chuối, dâu, blueberry, quả bơ … thỉnh thoảng ăn cà rốt…

Mọi người bảo nên chuyển cho bé qua “ăn mặn” luôn, nhưng tôi không vội vàng, nguồn dinh dưỡng chủ yếu của bé ở tháng thứ 8 vẫn là sữa công thức ban ngày, 2 cữ bột, 1 lần ăn trái cây, bú mẹ ban đêm.

Thỉnh thoảng tôi cho bé nếm chút thịt như tôm, vịt, gà…. Hay chút bánh mì, bánh bao, khoai tây, khoai lang, bún…. để bé làm quen với những vị và độ thô khác nhau của thực phẩm (miếng to hơn cần phải nhai), một mặt chuẩn bị cho hệ tiêu hoá của bé không bị sốc với những món có đạm.

Phương pháp luyện ngủ

Phương pháp được nói đến và cũng gây tranh cãi nhất đó là “Cry it out” - Để cho bé khóc đến khi bé mệt rồi sẽ tự chìm vào giấc ngủ.

Trẻ con bé vốn không thể tự chìm vào giấc ngủ, mà cần có việc ngủ khi ti mẹ, hay ti giả, ngủ khi được đung đưa rung… nên phương Tây cho rằng, bé khoảng 5 tháng tuổi sẽ luyện ngủ cho bé, tầm 6 tháng sẽ cho ra ngủ riêng.

Điều này để giúp bố mẹ nhàn hơn, bé tự lập hơn, có không gian riêng cho bố mẹ (để bố mẹ nối lại giai đoạn vợ chồng tạm ngưng do có con), để giấc ngủ của bố mẹ yên giấc hơn, để con tự ngủ sẽ chủ động hơn.

Tôi phải công nhận rằng, nếu bé Myla tự có thể chìm vào giấc ngủ được, và ngủ một mạch đến sáng, không dậy đòi ăn đêm, không ngọ ngoậy làm tôi phải dậy vỗ về…. sẽ nhàn hơn và sung sướng hơn rất nhiều.

Tuy nhiên về thực tế thì không phải như vậy. Bé vẫn có nhu cầu ăn đêm, và ngủ trằn trọc nên tôi vẫn thường xuyên thức giấc để vỗ về bé.

Khá mệt, nhưng nghĩ đến việc thả con qua phòng riêng khi bé còn chưa được 1 tuổi, phải thức chạy qua chạy lại để cho bé ăn, hay nằm lo lắng cho bé không ngủ được.

Và đơn giản nhất là chưa có dũng cảm để luyện cho con khóc vài ngày liền để đi vào giấc ngủ nên bé Myla vẫn được ngủ cùng phòng với ba mẹ.

Bé nằm cũi riêng để có không gian riêng nhưng kê sát kế bên mẹ. Bé vừa yên tâm có ba mẹ, ba mẹ cũng yên tâm có bé kế bên.

Vậy là tuyên bố của tôi đối với ba tôi là “sau 6 tháng sẽ cho Myla ra ngủ riêng” tôi chưa thực hiện được, trái lại tôi có suy nghĩ thay đổi thế này:

Phương Tây họ rèn cho con tính cách tự lập là rất tốt. Con người phương tây trưởng thành đã có phong cách sống tự lập, 18 tuổi dọn ra ở riêng tự đi làm thêm kiếm tiền. Rất là nhàn cho bố mẹ, nhàn cho xã hội.

Tuy nhiên tôi nghĩ rằng rèn cho con những tính cách tự lập là tốt, và có thể ở nhiều các hoạt động khác nhau, không nhất thiết là trong việc bắt bé phải nằm ngủ riêng ở phòng khác từ khi bé còn non nớt.

Một điểm nữa ở xã hội phương Tây, do hình thành sự độc lập từ nhỏ, rất nhiều người trở nên độc lập quá, xa cách đến gia đình, không tình cảm và cần đến gia đình (không phải tất cả mọi người).

Họ vẫn thường ao ước cái gần gũi đùm bọc gia đình của văn hoá châu Á. Dĩ nhiên mặt trái là con cái gia đình châu Á nhiều người hình thành sự ỷ lại, ăn bám, hay luỵ gia đình quá.

Vậy tôi suy nghĩ, tại sao chúng ta không cố gắng cộng lại chia đôi để có sự cân bằng? - Cho con những gần gũi chăm sóc mình có thể ở những năm tháng đầu đời, một mặt tập dần cho bé những thói quen độc lập?

Myla của chúng tôi vẫn cần ba mẹ ôm trong lòng, đu đưa ru ngủ. Nhiều khi mẹ thấy trĩu hết cả vai thât, nhưng nhìn con sau 5 phút yên tâm ngủ ngon, mẹ cảm thấy rất hạnh phúc và bao mệt mỏi đều trở nên tự nguyện.

Tuy nhiên tôi cũng luyện cho bản thân mình cứng rắn hơn, con khóc không lập tức dỗ ngay, khi nào đi ngủ là nhất định ngủ, không chơi đùa lâu. Và hy vọng ngày bé không thức dậy ban đêm đòi ăn nữa, hay mẹ chỉ vỗ vài cái là chìm vào giấc ngủ sẽ không xa.

Để lúc này ba mẹ nhàn hơn. Nhưng sẽ có khi hơi buồn, vì lúc này Myla của ba mẹ không “cần” đến ba mẹ giúp nữa.

Tóm lại phương pháp hay không cũng phải tuỳ tính cách của con trẻ (như tôi hồi bé dễ ngủ, bú bình xong lăn quay ra ngủ, hoặc nằm chơi lăn ra ngủ, ba mẹ tôi chẳng biết đến luyện ngủ là gì), hay tuỳ hoàn cảnh sống mỗi người.

Có nhiều mẹ tính thích bày biện (phụ nữ mà), lại có thời gian nên chịu khó chuẩn bị bữa ăn kiểu Nhật cho con. Có mẹ như tôi, thích tiện lợi, khoa học và thoáng hơn… cái đó tuỳ thuộc ở lựa chọn.

Chúng ta là bố mẹ, đừng quá cứng nhắc, hay cảm thấy nuôi con là sức ép. Đừng lấy các phương pháp hay luyện thành công làm thành tích, không thành công là nỗi khổ.

Bác Hồ đã nói “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người?” Chúng ta đang “trồng người”, muốn nhanh, tiện, gói trọn bằng phương pháp sao được!

Siêu mẫu Hà Anh/giadinhmoi.vn