Răng sữa bị sâu có cần trám lại không?

Răng sữa bắt đầu mọc từ lúc trẻ được khoảng 6 tháng tuổi. Và kéo dài tới tận 14 tuổi mới được thay thế bằng răng vĩnh viễn. Trong 14 năm đó, vai trò của răng sữa là vô cùng quan trọng.

Chào bác sĩ Cháu nhà em 3 tuổi. Cháu đã mọc đủ hàm răng sữa rồi và gần đây em thấy có những vết đen trên răng của cháu. Có thể răng cháu bị sâu.

Có người nói răng sữa thì không cần phải trám, vì sau này sẽ thay.

Em nhờ bác sĩ tư vấn cho em: răng sữa mà bị sâu thì có cần phải trám lại không? nếu không trám có ảnh hưởng gì không? Xin cám ơn bác sĩ nhiều !

Khương Ninh (Ninh Bình)

Cám ơn em đã gửi câu hỏi. Xin được trả lời em như sau:

Răng cửa giữa hàm dưới là chiếc răng đầu tiên trong đời bé, mọc khi bé được 6-8 tháng tuổi. Số lượng răng sữa đủ là 20 cái (10 cái hàm trên, 10 cái hàm dưới), khi bé được 24-30 tháng.

Mỗi hàm gồm 2 răng cửa giữa, 2 răng cửa bên, 2 răng nanh, 2 răng hàm nhỏ và 2 răng hàm lớn. 6 tuổi, bé sẽ thay những chiếc răng vĩnh viễn đầu tiên và quá trình này thường kết thúc khi bé được khoảng 13 đến 14 tuổi. Cũng giống như người lớn, nếu thiếu răng thì ăn uống chẳng ngon lành gì và lâu dài sẽ ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa; răng sữa tồn tại trên cung hàm tới 13 năm, nếu bé bị nhổ răng sữa sớm thì bé ăn cũng không ngon và hệ tiêu hóa cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ngoại trừ răng bị chấn thương, nguyên nhân bị nhổ răng sữa sớm thường là sâu răng. Sâu răng sữa thường tiến triển rất nhanh vì men răng sữa mềm.

Có nhiều cháu, mới hôm qua thấy vệt đen mà chỉ sau 1 tuần không để ý, cha mẹ đã hết hồn khi thấy một lỗ sâu to tướng. Nếu sâu lớn, ảnh hưởng đến tủy răng, thường răng sữa sẽ bị nhổ.

Trong điều trị nha khoa, cả người lớn và trẻ em, đều cố gắng hạn chế tối đa việc nhổ răng. Khi tủy răng bị viêm nhiễm, có thể điều trị để bảo tồn răng.

Chữa tủy răng là một điều trị phức tạp, tốn nhiều thời gian nên thường rất khó điều trị cho trẻ em. Có nhiều bé thường không hợp tác, chịu nằm yên cho bác sĩ điều trị. Nên chữa tủy răng cho bé rất khó là vì vậy. Răng sữa có vai trò định hướng cho răng vĩnh viễn mọc đúng vị trí sau này. Nếu răng sữa bị nhổ sớm, lỗ nhổ răng đó bị bít lại và cứng chắc. Sau này, khi mầm răng vĩnh viễn mọc lên sẽ gặp khó khăn, mọc chậm và có thể sẽ mọc lệch.

Chắc không có bậc cha mẹ nào muốn con mình sau này có một hàm răng méo mó!

Răng sữa còn giúp xương hàm phát triển. Động tác nhai, cắn thức ăn kích thích cho xương hàm phát triển. Nếu không có răng, bé nuốt trọng, xương hàm sẽ 'nằm ì' đấy mà chẳng chịu động đậy lớn nên cùng cơ thể. Thật là tai hại! Răng sữa cũng là một trong những mắt xích quan trọng trong hệ thống phát âm của trẻ, bên cạnh lưỡi, họng, cuống họng, dây thanh quản,...

Nếu thiếu răng, đặc biệt là thiếu nhiều răng, sẽ chẳng có bé nào phát âm được tròn tiếng đâu!

 

Răng sẽ có xu hướng biến dạng ngã vào khoảng trống bị mất răng, làm thu hẹp khoảng trống này. Khi khoảng trống này bị thu hẹp, răng vĩnh viễn ở dưới sẽ gặp khó khăn khi mọc lên.

 

 Sâu răng sữa sớm là một trong những nguyên nhân khiến hàm răng vĩnh viễn sau này bị lệch lạc

Nếu đọc kỹ những phân tích ở trên, em đã có thể tự tìm được câu trả lời cho câu hỏi của mình: sâu răng sữa có nên trám lại không rồi đấy.

Chúc bé nhà em sớm và luôn có một chất lượng sức khỏe răng miệng thật tốt!

Bs Trần Mừng/giadinhmoi.vn