Tôi bị viêm nha chu từ khi mang thai tháng thứ 5, khi đi khám không bác sĩ nào chữa trị hết và hẹn tôi sau khi sanh 1 tháng tái khám. Nhưng bây giờ nướu răng tôi trầm trọng hơn càng lớn hơn và thường xuyên chảy máu răng tự phát. Bây giờ thai tôi được 39 tuần , vậy tôi phải làm gì?
Huỳnh Nga (Kiên Giang)
Xin được trả lời câu hỏi của bạn như sau:
Nha chu là tổ chức dây chằng dưới nướu răng, bao quanh chân răng, có nhiệm vụ giữ cho răng bám chắc vào xương ổ răng. Khi tổ chức này bị viêm sẽ làm cho răng lung lay. Nếu viêm nha chu nặng, răng có thể bị rụng ra ngoài.
Có hai nguyên nhân chính gây ra bệnh nha chu: - Do vi khuẩn, mảng bám (bệnh lý) - Do tuổi tác. Càng lớn tuổi thì tổ chức nha chu càng yếu đi và làm răng bị lung lay (sinh lý) Tùy theo từng bệnh căn mà điều trị viêm nha chu bằng những phác đồ cụ thể khác nhau.
Việc điều trị viêm nha chu thường ít mang lại hiệu quả tối ưu khi bệnh đã trở nặng.
Đặc biệt, khi phụ nữ mang thai, các hormone progesterone và estrogen tăng lên, đẩy mạnh tuần hoàn và đưa nhiều máu tới lợi. Do đó, lợi sẽ bị sưng lên và dễ phản ứng với vi khuẩn, làm tăng mảng bám.
Nếu không được chăm sóc kỹ càng và điều trị kịp thời, nướu răng của phụ nữ có thai thường viêm nặng hơn người bình thường
Thai phụ chỉ cần quên đánh răng một đêm thôi là trong 24h lợi sẽ bị đỏ, sưng lên, chảy máu. Nếu tiếp tục quên đánh răng thì bạn có nguy cơ bị viêm nha chu và tổn đến hại xương.
Trường hợp cụ thể của bạn, nếu răng không lung lay, chúng tôi nghĩ rằng tình trạng của bạn hiện tại chỉ đơn thuần là viêm nướu do sự tăng tiết hocmone trong thời kỳ mang thai thôi.
Rất nhiều phụ nữ trong thai kỳ bị điều này. Nướu thường sưng đỏ, gây hôi miệng và rất dễ chảy máu.
Trường hợp này bệnh nhân sẽ được điều trị tại chỗ ở phòng nha bằng cách lấy vôi răng thật sạch. Việc loại bỏ vôi răng và mảng bám là yếu tố quan trọng góp phần hạn chế tình trạng viêm nướu.
Trong một số trường hợp sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng nước xúc miệng có thuốc (thường là hợp chất chống viêm, sát khuẩn Chlohexidine 0.12%). Sử dụng nước xúc miệng này phải cẩn trọng, tránh nuốt phải thuốc. Dưới đây là một số lời khuyên cho các thai phụ nói chung:
Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày. Kết hợp súc miệng bằng nước muối sinh lý từ 2 - 3 lần/ ngày.
- Hãy chuyển sang đánh răng bằng bàn chải lông mềm nếu lợi bắt đầu bị chảy máu.
- Vẫn phải đến nha sĩ kiểm tra răng miệng thường xuyên, đặc biệt là ở kì tam cá nguyệt thứ hai.
- Nếu bạn đã có vấn đề về lợi trước đó rồi thì cần phải kiểm tra thường xuyên. Một số bà bầu cần làm sạch lợi hàng tháng. Nếu bạn bị sâu răng hay có vấn đề về ống răng thì bạn cũng cần phải điều trị trong khi mang thai, tuy nhiên cần có sự điều trị đặc biệt.
- Bổ sung thêm vitamin C trong chế độ ăn hàng ngày.
Chúc bạn có một sức khỏe tốt trong thai kỳ.
Bs Trần MừngBạn đang xem bài viết Viêm nha chu khi mang thai tại chuyên mục Tư vấn Bác sĩ của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].