Những ông bố ở nhà chăm con đang ngày càng trở nên phổ biến, thế nhưng lắng nghe tâm sự của “ông nội trợ” Vincent Sales (Singapore) sau đây, hẳn nhiều bà mẹ đều ngưỡng mộ khả năng chăm sóc con cũng như suy nghĩ đặc biệt sâu sắc của anh.
Gia Đình Mới xin lược đăng lại bài viết của anh trên trang web Theasianparents.com.
Những ông bố ở nhà là một tạo vật hiếm hoi, khó tìm thấy trong tự nhiên. Hắn ta có thể coi như một động vật cần “bảo tồn khẩn cấp”, một bí mật xấu xa và đáng xấu hổ. Hắn cũng hơi bí ẩn một chút.
Để bắt đầu, hãy gọi hắn là “Ông bố bỉm sữa” hay "Ông bố nội trợ" – SAHD (Stay at home dad).
Khác với các bà mẹ ở nhà (SAHM - Stay at home mom), các "Ông bố nội trợ" không tụ thành hội, không chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức hội thảo... Tuy nhiên, sau nhiều năm làm một "Ông bố bỉm sữa", tôi cũng học được vô số thứ có thể chia sẻ. Bạn có thể không đồng ý hoặc không tin tôi, nhưng cứ thử nghe nhé.
Tôi đã học được rằng đặc quyền của ông bố "Ông bố bỉm sữa" là có thật, thậm chí còn lớn hơn trong thời đại phụ nữ được trao quyền.
Ví dụ, khi làm "Ông bố bỉm sữa", tôi được mở mắt để nhận ra phụ nữ đang bị loại bỏ, đẩy ra khỏi lực lượng lao động, đối xử không công bằng như thế nào.
Tôi cũng học được làm thế nào cho một bé sơ sinh đi ngủ, hôn con, dạy con ngồi toilet.
Và sau 5 năm làm "Ông bố bỉm sữa", tôi đi đến một kết luận rằng nhiều ông bố đã bỏ lỡ một giai đoạn rất tuyệt vời trong cuộc đời.
Bài học 1: Hãy sẵn sàng để bị phán xét
Chẳng có cách nào nhanh chóng để kết thúc cuộc nói chuyện bằng cách trả lời câu hỏi “Thế anh làm nghề gì?” bằng cách: “Tôi ở nhà trông con”.
Bạn sẽ gặp phải một bản hợp xướng của dế gồm những âm thanh như ô, a...
Họ lại còn giả như đang chăm chú nhìn vào điện thoại của họ. Một người đàn ông không nuôi gia đình có vẻ như không còn là đàn ông nữa. Anh ta là một người đáng xấu hổ, chẳng khác gì “chó chui gầm chạn”.
Tất nhiên, người ta vẫn giả vờ như thú vị về điều đó: “Anh như thế sẽ rất tốt cho lũ trẻ” – họ có thể nói.
Tuy nhiên, câu hỏi vẫn ở trong mắt họ. Như kiểu: “Làm thế nào để trả tiền hóa đơn hàng tháng”. Họ có thể giả định rằng có một khoản tài sản nào mà tôi được thừa kế.
Nhưng thật thà mà nói, chẳng có khoản thừa kế nào, câu trả lời thực sự là: “Vợ tôi lo!”
Khi tôi nghỉ việc vào năm 2012, vợ tôi có 2 công việc, 2 doanh nghiệp nhỏ. Ai cũng biết cô ấy là một người phụ nữ mạnh mẽ, giàu năng lực. Việc nuôi gia đình đang được giao cho một người giỏi giang.
Tôi thích làm việc, vì vậy sau khi nghỉ việc cũ tôi tìm một công việc khác. Không, chưa nói đến chuyện trông nom các con, dù đó cũng là một công việc.
Tôi nghỉ việc để viết sách. Tôi và vợ đã ngồi lại và cùng quyết định điều này. Công việc này có thể không bao giờ làm chúng tôi giàu có, nhưng tôi muốn con tôi hiểu đúng về con người mà tôi muốn trở thành: một người sáng tác, không phải là một người viết ra những chiến dịch quảng cáo cực kỳ thông minh cho các phương tiện truyền thông.
Và tôi cũng muốn nhìn thấy con nhiều hơn, chứ không chỉ là trong những ngày cuối tuần.
Bài học 2: Đàn ông có nhiều đặc quyền
Nhiều ông chồng cứ nghĩ rằng kiếm cơm về cho gia đình thì có quyền yêu cầu một bữa tối ngon lành, phục vụ bởi cô vợ xinh đẹp, trong một ngôi nhà sạch bóng...
Các ông nên nghĩ khác đi. Thực ra ngày làm việc “cực nhọc” của các ông chẳng đáng kể gì khi so sánh với những gì mà bà mẹ ở nhà phải trải qua. Đó chính là điều mà tôi đã học được
Một ngày tiêu biểu của tôi sẽ bao gồm:
Những đứa trẻ vật vã để thức dậy khi vào lúc sáng sớm.
Bữa sáng, phải chuẩn bị trong lúc chưa kịp uống cà phê.
Một đứa con vô tình làm đổ sữa ra bàn.
Một đứa con nhỡ cuống lên làm bài tập (bởi vì tối hôm qua mọi người quên béng mất việc nhắc nhở nó).
Cơn khóc lóc, số 2, 3 và 4 của cậu nhóc út khi con lớn đã đi học.
Cơn ăn vạ số 4 làm bạn điên lên và quát tháo, sau đó là cảm giác tội lỗi.
Cảm giác vui sướng và sợ hãi khi đứa con nhỡ chạy băng qua đường khi bạn đón con ở trường về.
...
Ăn tối
Bài tập về nhà của con, lên kế hoạch cho bữa ăn ngày mai, tính toán chi phí gia đình.
Đi vệ sinh.
“Ngày hôm nay em thế nào hả cưng?” – đó là câu hỏi kết thúc một ngày.
...
Nhiều người đàn ông tin rằng việc lo chu cấp gia đình giúp họ được “miễn trừ” khỏi trách nhiệm thay tã hoặc làm việc vặt (Một số bà vợ còn khuyến khích cách hành xử này bằng cách lập luận chồng họ “làm việc quá vất vả”)
Nhưng, tin tôi đi, các anh chẳng vất vả gì sất. Tôi đã ở cả 2 phe, và chắc chắn, thành công trong sự nghiệp không dễ, nhưng cũng chẳng phải quá khó.
Hãy nghĩ mà xem, để thực hiện được vai trò làm mẹ, trí não phụ nữ đã phải trải qua một sự thay đổi kinh khủng. Rồi sau đó, những thay đổi của hormone khiến họ dần thích nghi với những thay đổi cực lớn đó.
Bài học 3: Chẳng có gì giống như là “thiên chức của phụ nữ”
Khi còn là một đứa trẻ, trẻ gái được dạy nấu ăn, làm bánh, khâu vá. Trong lúc đó các bé trai chơi xây nhà. Trong những ngày đầu tiên làm "Ông bố bỉm sữa", tôi cũng cảm thấy hơi lúng túng. Hóa ra đặc quyền của đàn ông còn là: giao cho phụ nữ những việc vặt mà họ không muốn làm – điều đó quả thực là ngu ngốc.
Thực tế, tôi học được rằng chỉ có 2 việc mà một "Ông bố bỉm sữa" như tôi không thể làm: sinh con và cho con bú. Còn các việc khác, tôi có tái độ như kiểu tôi vẫn làm khi sửa máy chơi game: mọi thứ đều có thể hiểu được, làm được.
Với những dụng cụ đúng và những kiến thức chuẩn xác, tôi có thể làm tất cả.
Tôi học cách làm gà, nấu vài món. Tôi vạch ra kế hoạch trang trí nhà cửa. Tôi đã học được toàn bộ lời bài hát trong Công chúa Sofia, ...
Bọn trẻ và tôi cùng xây những túp lều bằng gối, chơi cardboard Iron Man...
Một vài ông chồng có thể nói họ không có “bản năng làm mẹ”, do vậy họ không thể làm những việc vợ họ vẫn làm. Nhưng tôi chẳng cảm thấy có gì là không tự nhiên cả. Tôi vẫn “chuẩn men” và vẫn làm bố tốt.
Vincent Sales
Bài học 4: Sợi dây ràng buộc mang tên “làm cha mẹ”
Khi tôi hoàn thành cuốn sách, tôi đã định quay lại công việc. Thật là bất ngờ, tôi phát hiện ra mình cũng đang ở trạng thái như nhiều bà mẹ: trở lại làm việc sau khi sinh con.
Sau 5 năm làm "Ông bố bỉm sữa", tôi thực sự cảm thấy xa rời với sự nghiệp.
Hệ thống các mối quan hệ nghề nghiệp của tôi không còn, đã có quá nhiều biến động. Nhiều kỹ năng của tôi trở nên lạc hậu. Một chuyên gia săn đầu người, ban đầu rất hào hứng trò chuyện với tôi, nhưng sau đó nhanh chóng nhận ra khoảng rỗng 5 năm trong kinh nghiệm nghề nghiệp của tôi.
Tôi cũng đã có những điểm không tương thích với môi trường doanh nghiệp. Tôi phải về nhà sớm để ăn tối với lũ nhỏ. Tôi cần sự linh hoạt trong thời gian làm việc để đi họp phụ huynh.
Và tôi không muốn từ bỏ cuộc đời "Ông bố bỉm sữa".
Tôi đã từng nghĩ mình sống trong một xã hội bình đẳng nam nữ.
Nhưng thực tế thì: một phụ nữ sinh con được nghỉ 12 – 16 tuần ở Singapore. Điều đó là bạn có một đứa con 3 hay 4 tháng, trong khi quay lại đi làm và giả vờ như đứa trẻ đó không hề tồn tại.
Hoặc là bạn phải từ bỏ sự nghiệp, trở thành bà nội trợ. Rõ ràng là một quyết định khó khăn và không hề có sự công bằng. Chúng ta có nên thay đổi không, thưa mọi người?
Tôi đã bắt đầu sự nghiệp "Ông bố bỉm sữa" như thế nào?
Tôi đã bắt đầu sự nghiệp ở nhà nuôi con khi con trai đầu của chúng tôi được 1 ngày tuổi.
Thằng bé đang trong tình trạng bị mất nhiệt, nó cần nuôi dưỡng kangaroo (tiếp xúc da kề da).
Vợ tôi lúc đó không ở bên cạnh và cũng không thể chăm con (Nhiều năm sau, tôi mới biết lúc đó cô ấy đang bị trầm cảm sau sinh). Thay vì chờ đợi hay ép buộc cô ấy chăm con, hoặc nhờ ai đó, tôi đã cởi ngay áo khoác, ấp con trai vào lồng ngực xấu xí nhưng ấm áp của mình.
Chúng tôi ở đó, tôi không biết bao lâu, chỉ để da kề da. Con trai đã ngủ, như một đứa trẻ sơ sinh bình thường.Tôi nghe thấy hơi thở của con, trong lúc lồng ngực của mình nâng hạ.
“Cha ở đây” – tôi nói với con. Và tôi đã luôn ở bên con kể từ đó.